Những năm gần đây, việc xây dựng khu phố văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đã trở thành phong trào rộng khắp; đã có nhiều khu phố, thôn, cơ quan, đơn vị liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa. Và ai cũng cho rằng đã là khu phố, thôn, cơ quan văn hóa thì mọi mặt ở đó đều hơn các nơi chưa được công nhận văn hóa.
Thực tế hiện nay, có một số khu phố, thôn, cơ quan sau khi nhận đựơc danh hiệu “khu phố văn hóa”, “thôn văn hóa”, “cơ quan văn hóa” lại xuất hiện nhiều vấn đề như: thường xảy ra tình trạng trộm cắp, cờ bạc, mại dâm; có thôn văn hóa nhưng rác thải vẫn cứ đổ tràn lan ra đường, gây ô nhiễm môi trường, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình; có những cơ quan văn hóa mà nội bộ mất đoàn kết, còn nhiều người mê tín dị đoan, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vi phạm an toàn giao thông…
Ngay tại TP Tuy Hòa, dưới chân các bảng hiệu “khu phố văn hóa” xuất hiện nhiều hàng quán ăn uống lấn chiếm vỉa hè, xe cộ để dưới lòng đường, gây mất mỹ quan đường phố…
Để đạt được danh hiệu “khu văn hóa”, “thôn văn hóa”, “cơ quan văn hóa” thì khu phố, thôn, cơ quan đó tất yếu phải đạt được những tiêu chí nhất định đã đặt ra. Do vậy, các “khu phố văn hóa”, “thôn văn hóa”, “cơ quan văn hóa” cần giữ gìn và phát huy tốt những tiêu chí đã đề ra. Trong đó cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người dân, con em nơi sinh sống ý thức xây dựng nếp sống văn hóa.
Các địa phương khi xem xét công nhận “khu phố văn hóa” “thôn văn hóa”, “cơ quan văn hóa” cần có sự đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện các tiêu chí đã đề ra. Đối với những nơi không giữ được các tiêu chuẩn đã quy định, cần kiên quyết hủy bỏ danh hiệu đã nhận. Có như vậy thì chất lượng của các “khu phố văn hóa”, “thôn văn hóa”, “cơ quan văn hóa” mới có ý nghĩa thực sự và ngày càng được nâng cao.
Lê Đình Trí
(phường 8, TP Tuy Hòa)