Lâu nay, khi gia đình có người thân qua đời, không ít người nghĩ rằng: Chỉ cần tổ chức tang lễ sao cho thật to, thật trọn vẹn mới là quan trọng mà ít khi quan tâm đến việc thực hiện đăng ký khai tử.
Một mặt, họ không hiểu quyền và nghĩa vụ của việc đăng ký khai tử, mặt khác họ nghĩ rằng “chết là hết” nên việc đăng ký hay không đăng ký cũng chẳng quan trọng là bao. Đây là quan niệm hết sức sai lầm và thường phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo quy định tại điều 20 của Nghị định 158/CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chết, thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử. Trong trường hợp người chết không có thân nhân, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử. Nếu không thực hiện đầy đủ quy định trên, họ có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, điều 13, Nghị định số 60/2009/NĐ-CP với hình thức: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai tử cho người đã chết không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.
Việc khai tử là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân khi có người thân qua đời. Thường thì thủ tục đăng ký khai tử rất đơn giản, nhanh gọn, được giải quyết trong ngày và người đi đăng ký không phải đóng lệ phí. Có nhiều trường hợp vì không đăng ký khai tử cho người thân dẫn đến việc không có giấy chứng tử nên bị vướng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền thừa kế hoặc các chế độ khác kèm theo… Những lúc ấy, người trong cuộc mới “ngộ” ra tầm quan trọng của giấy chứng tử thì sự việc đã rồi. Do đó họ phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đi làm lại. Vì vậy, mọi người dân nên chú ý đến việc đăng ký khai tử đúng thời hạn quy định nhằm chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước; đồng thời tránh gây phiền phức cho bản thân và gia đình về sau này.
TRẦN KIÊN
(Thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An)