Thứ Hai, 23/12/2024 02:27 SA
UNICEF: Thế giới có thể sản xuất lượng vắcxin nhiều chưa từng thấy
Thứ Sáu, 04/09/2020 12:40 CH

Vắcxin ngừa COVID-19 được phát triển bởi công ty Novavax tại Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ ngày 20/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* Thêm một loại vắcxin phòng COVID-19 được đưa vào thử nghiệm lâm sàng

 

Ngày 3/9, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhận định một lượng vắcxin ngừa COVID-19 nhiều chưa từng thấy có thể được 28 hãng dược phẩm tại 10 quốc gia sản xuất trong vòng 2 năm tới. 

 

UNICEF cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực mua và phân phối vắcxin ngừa COVID-19. Theo đó, UNICEF cho biết 28 hãng sản xuất vắcxin đã chia sẻ các kế hoạch sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 hằng năm đến hết năm 2023.

 

Một báo cáo đánh giá thị trường của UNICEF cho thấy các nhà sản xuất vắcxin sẵn sàng chung nhau sản xuất một lượng vắcxin ngừa COVID-19 lớn chưa từng thấy trong 1 đến 2 năm tới.

 

Tuy nhiên, các hãng dược phẩm cho rằng kế hoạch sản xuất này phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố như sự thành công của các thử nghiệm lâm sàng, thỏa thuận đặt mua vắcxin, cam kết tài chính, quy định và thuận lợi trong quy trình đăng ký cấp phép. 

 

Hiện UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cùng dẫn đầu kế hoạch phân bổ vắcxin và thuốc điều trị bệnh COVID-19 mang tên COVAX. Kế hoạch này nhằm đảm bảo các nước được mua và tiếp cận công bằng các vắcxin phòng COVID-19.

 

Vai trò của UNICEF trong kế hoạch COVAX xuất phát từ thực tế tổ chức này là khách hàng mua vắcxin lớn nhất thế giới.

 

UNICEF cho biết hằng năm tổ chức này thay mặt gần 100 quốc gia trên thế giới mua hơn 2 tỷ liều vắcxin phục vụ chủng ngừa định kỳ và ứng phó với dịch bệnh.

 

COVAX được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán làm sao để có thể phân bổ rộng rãi vắcxin ngừa COVID-19 với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh này.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX.

 

Tuy nhiên, ngày 1/9 vừa qua, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.

 

* Hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và đối tác GlaxoSmithKline (GSK) của Anh thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phát triển từ protein và đặt mục tiêu tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào tháng 12 tới.

 

Nếu các kết quả thử nghiệm cho hiệu quả, Sanofi và GSK hy vọng vắcxin sẽ được cấp phép trong nửa đầu năm 2021.

Hiện vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm nghiên cứu để đánh giá độ an toàn, thời gian phát huy tác dụng và phản ứng miễn dịch ở 440 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh ở 11 địa điểm tại Mỹ.

 

Loại vắcxin này sử dụng cùng một công nghệ tái tổ hợp protein giống công nghệ từng được sử dụng để phát triển một loại vắcxin phòng cúm mùa của Sanofi.

 

Đây là sản phẩm kết hợp công nghệ của Sanofi với một loại tá dược do GSK sản xuất. Hai công ty này cũng đang mở rộng năng lực sản xuất để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất khoảng 1 tỷ liều vắcxin này vào năm 2021.

 

Hiện các hãng dược và các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới đang nỗ lực phát triển những loại vắcxin phòng bệnh và các biện pháp điều trị COVID-19, căn bệnh đã khiến hơn 860.000 người trên thế giới tử vong và làm đình trệ các hoạt động kinh tế toàn cầu.

 

Ngoài vắcxin của Sanofi và GSK, có một số vắcxin khác đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên quy mô lớn. Tuy nhiên, 2 hãng dược của Pháp và Anh tự tin họ đang có lợi thế hơn nhờ những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nghiên cứu vắcxin.

 

Sanofi và GSK cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp vắcxin kết hợp tá dược cho Mỹ và Anh và hiện đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Liên minh châu Âu (EU) để cung cấp tối đa 300 triệu liều vắcxin cho khối này.

 

Ngoài ra, 2 hãng trên cũng lên kế hoạch cung cấp vắcxin cho COVAX, một kế hoạch phân bổ vắcxin và thuốc điều trị bệnh COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng chỉ đạo, giúp mua và phân bổ vắcxin trên toàn cầu.

 

Khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp mà chưa có dấu hiệu được kiểm soát chặt chẽ, việc có được những vắcxin phòng bệnh hiệu quả trở thành một ưu tiên hàng đầu trên thế giới và được coi như một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

 

Tuy nhiên, khi đã tìm được những vắcxin phòng bệnh hiệu quả, một bài toán khác đặt ra là làm sao để có thể phân bổ rộng rãi những vắcxin này với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh.

 

COVAX được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán này. Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới.

 

WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX. Tuy nhiên, ngày 1/9, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.

 

Mới đây, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong đã kêu gọi tất cả các nước tham gia kế hoạch COVAX.

 

Theo lãnh đạo CDC châu Phi, tất cả các quốc gia đều phải đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19 và nhấn mạnh sẽ không có quốc gia nào được an toàn nếu vẫn còn những ca bệnh COVID-19 ở các quốc gia khác. 

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cần lắm lời cảm ơn, xin lỗi
Thứ Năm, 27/08/2020 06:00 SA
Khi TP Tuy Hòa ra quân dẹp loa kẹo kéo
Thứ Hai, 24/08/2020 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek