- Thưa ông, cái ghế này có ai ngồi chưa ạ?
Anh bạn tôi ngẩng đầu lên. Chủ nhân của câu hỏi là một bé gái khoảng sáu, bảy tuổi có vẻ mặt và nụ cười cởi mở, thân thiện. Anh vui vẻ trả lời: Con cứ lấy đi. Bàn này chỉ có hai người thôi. Cô bé lại cười: Cháu cảm ơn ông ạ!
Sau khi bé gái khệ nệ xách chiếc ghế rời đi, anh bạn nói: Con nhà ai có xíu xiu tuổi đầu mà đã biết nói năng lịch sự thật dễ thương. Chẳng bù với lắm người lớn “vô tư” khác. Rồi anh kể rằng đã nhiều lần đi uống cà phê, không ít tình trạng có người thấy ghế trống cứ ngang nhiên tới lấy mà chẳng thèm hỏi khách đang ngồi trong bàn một câu. Rồi anh nói: Thời buổi này sao hiếm hoi lời cảm ơn, xin lỗi quá! Nguyên nhân chắc chắn là do giáo dục từ gia đình, nhà trường còn hạn chế…
Không biết kết luận của anh bạn tôi chính xác tới mức độ nào nhưng đúng là hiện nay, trong giao tiếp xã hội, chưa phổ biến những từ cảm ơn, xin lỗi. Cảm ơn là khi được ai đó giúp đỡ việc gì dù rất nhỏ, tự ta thốt ra lời tri ân nhẹ từ đáy lòng. Khi vô tình gây ra phiền toái dù không lớn cho người bên cạnh, lại tự ta thấy áy náy mà bày tỏ sự không thoải mái này để mong thông cảm, tha thứ, bỏ qua. Nói lời cảm ơn, xin lỗi tuy đơn giản vậy nhưng không phải dễ dàng hay tự nhiên mà hình thành trong giao tiếp ứng xử hằng ngày. Điều này phải thông qua một quá trình giáo dục lâu dài, cần mẫn trong nhà trường ngay từ lớp khai tâm cho các cháu mầm non cho tới khi hết phổ thông trung học, đại học. Học sinh, sinh viên phải được các thầy cô thường xuyên nhắc nhở ứng dụng, thực hành qua từng việc nhỏ, và thầy cô giáo phải luôn làm gương cho trò. Còn các bậc ông bà, cha mẹ, người lớn phải dạy con cháu biết cảm ơn hay xin lỗi tùy theo từng trường hợp.
Cứ thế, như “mưa dầm thấm lâu”, ngay từ bé thơ cho đến khi trưởng thành, con người được giáo dục những việc như nói lời cảm ơn, xin lỗi, là phong cách sống của con người tiến bộ, hiện đại. Biết cảm ơn, xin lỗi giúp cho mỗi cá nhân nhận ra được đâu là giới hạn cần khắc phục và mặt mạnh cần phát huy để vươn tới điều lớn lao hơn là sống, học tập, làm việc, giúp ích cho gia đình và có đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
ĐOÀN VĂN THẾ