Từ 0 giờ ngày 16/8, UBND TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) yêu cầu tất cả người dân không được ra khỏi thành phố, trừ trường hợp thực sự cần thiết và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, toàn quốc lại có thêm 1 địa phương phải thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh này tái bùng phát và diễn biến phức tạp hơn lần trước.
Trước đó, sau khi có ca nhiễm COVID-19 mới số 950 (một trong 20 ca bệnh được công bố vào chiều 15/8) liên quan đến “ổ dịch” quán Thế giới bò tươi, chiều tối 15/8, TP Hải Dương đã họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Tối cùng ngày, UBND TP Hải Dương cũng đã có thông báo chính thức về việc nâng cao “cấp độ” cách ly xã hội trên địa bàn do diễn biến mới của dịch COVID-19 tại đây đang rất phức tạp. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 16/8 và các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
“Ổ dịch” quán Thế giới bò tươi ở TP Hải Dương bùng phát từ ngày 13/8 khi có 3 người làm việc tại quán này bị phát hiện mắc COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, liên quan đến “ổ dịch” này đã ghi nhận 5 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1 ca phát hiện tại Hà Nội còn 4 ca phát hiện ở Hải Dương. Chưa kể, cơ quan chức năng đang rà soát hàng trăm trường hợp F1, F2 liên quan đến những ca bệnh này.
Tại Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19. Có lẽ vì vậy mà ngoài một bộ phận người dân có ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người... thì không ít thành phần còn chủ quan vì cho rằng “COVID-19 chưa tới Phú Yên”. Điển hình là những nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, trà sữa, ăn vặt... kê bàn ghế san sát cho khách ngồi ăn uống và những người tới các quán này cũng không phiền vì điều này. Hay như một số khu vui chơi trẻ em đi kèm quán cà phê vẫn mở cửa hoạt động mà không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như đo thân nhiệt hay yêu cầu các khách hàng nhí rửa tay sát khuẩn... Dẫu rằng trong “trạng thái bình thường mới”, UBND tỉnh chỉ yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở: massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các điểm truy cập internet điện tử, các rạp chiếu phim; hạn chế hội họp, tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người... mà không cấm các cơ sở bán hàng ăn uống hoạt động nhưng thiết nghĩ các cơ sở này nên bố trí bàn ghế giãn cách đúng quy định để đảm bảo an toàn. Còn những người cần mua đồ ăn thức uống trong những ngày này có thể mua về nhà hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà để hạn chế tập trung đông người ở quán.
Bài học của TP Hải Dương ở trước mắt, khi “ổ dịch” COVID-19 bùng phát tại quán ăn có đông người qua lại ở trung tâm thành phố. Diễn biến nói trên cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng phức tạp. Trước khi bị phát hiện mắc bệnh, các bệnh nhân đã di chuyển, tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể trở thành F1, F2 hoặc thậm chí là mắc COVID-19 bất cứ lúc nào nếu cứ chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà chính quyền địa phương và các ngành chức năng khuyến cáo liên tục trong thời gian gần đây.
LÊ QUỐC HUY
(phường 5, TP Tuy Hòa)