Đọc Báo Tuổi Trẻ và Báo Phú Yên số thứ năm ngày 19/3, tôi phát hiện hai thông tin “trái ngược” gợi lên nhiều suy nghĩ về tình người trong mùa dịch COVID-19.
Trang 9 Báo Tuổi Trẻ số này nêu ý kiến của một bạn đọc ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) trình bày về việc muốn dừng tiệc cưới để phòng, tránh dịch COVID-19 nhưng nhà hàng kiên quyết không chịu. Cụ thể, bạn đọc cho biết đã đặt tiệc cưới tại một nhà hàng ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh) từ tháng 1, dự tính đám cưới sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3/2020 và đã đóng tiền đặt cọc hai đợt tổng cộng hơn 30 triệu đồng.
Do thấy Nhà nước đang khuyến khích người dân tránh tụ tập đông người để phòng dịch bệnh lây lan, nên gia đình đã chủ động liên hệ với nhà hàng xin được hoãn tổ chức đám cưới. Nhưng nhà hàng cho rằng đối tác báo quá trễ nên không thể hủy được, nếu hủy thì phải mất tiền đặt cọc đợt 1 khoảng 7 triệu đồng. Bạn đọc cho rằng đây là điều phi lý vì đã gọi cho nhà hàng 2 lần vào ngày 12 và 15/3 (trước cả nửa tháng) nhưng “bên kia” vẫn không chịu.
Trong khi đó, theo hợp đồng đã ký, nếu hoãn hay hủy thì chỉ cần báo đội lễ tân của nhà hàng trước 14 ngày. Bạn đọc bức xúc bày tỏ: “Trường hợp của tôi chỉ là yêu cầu hoãn chớ không hủy. Vả lại rủi ro, bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì không ai muốn cả. Vậy tôi phải làm gì khi tôi không đồng ý với cách xử lý của nhà hàng?”.
Tư vấn cho bạn đọc, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) trả lời rằng hiện nay các cơ quan chức năng chỉ khuyến khích và đề nghị các cơ sở ngưng hoạt động để tránh tụ tập đông người nhằm phòng tránh dịch bệnh chứ không cấm. Đối với hợp đồng dịch vụ giữa bạn đọc và nhà hàng, trường hợp xảy ra tranh chấp, vụ việc sẽ được giải quyết căn cứ các điều khoản ghi trong hợp đồng và các quy định tại Bộ luật Dân sự, cụ thể các điều 513, 515, 516, 517, 518, 519, 520, 521. Nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn đọc có thể khởi kiện yêu cầu TAND quận nơi nhà hàng tọa lạc để giải quyết.
Còn trong bài viết Hoãn tiệc cưới để chống dịch COVID-19 đăng trên trang 9 Báo Phú Yên cùng ngày 19/3, tác giả cho biết tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh vì số lượng tiệc cưới giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước nhưng đối với khách hàng hủy tiệc cưới đã đặt, Trung tâm Hội nghị và tiệc cưới Pytopia (TP Tuy Hòa) hoàn tiền 100%, khách hàng không mất khoản tiền đặt cọc!
Bạn đọc ở Phan Thiết sẽ thỏa thuận thành công hay sẽ khởi kiện nhà hàng nói trên ra tòa, kết quả như thế nào thật khó đoán định. Nhưng hai thông tin nói trên cho thấy cách hành xử của nhà hàng này thật “xa lạ” so với cách hành xử đối với khách hàng của Trung tâm Hội nghị và tiệc cưới Pytopia. Điều đó cho thấy, trong thời điểm dịch bệnh hoành hành và diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, bên cạnh một số ít tìm cách “ăn theo” để kiếm lợi nhuận cho mình như nhà hàng ở quận 1, sản xuất, mua bán khẩu trang nhái, khẩu trang giả…, vẫn còn rất nhiều cá nhân, đơn vị, tập thể luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Đó là các doanh nhân, doanh nghiệp, ca sĩ, nhà hảo tâm… trong cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp hoặc vận động nhiều người khác tham gia đóng góp tiền bạc, phương tiện để đồng hành cùng chính quyền, ngành Y tế và cả hệ thống chính trị tích cực phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế này càng khẳng định rằng mỗi khi đất nước gặp phải những biến động lớn trong lịch sử và đời sống xã hội, thì toàn dân luôn đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ để vượt qua và chiến thắng thiên tai, địch họa, để bảo vệ, gìn giữ cuộc sống phát triển an toàn, bền vững. Vì thế, nhất định dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, dập tắt.
TRƯƠNG QUANG NAM