Câu chuyện cụ bà Nguyễn Thị Huệ (72 tuổi, ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) nộp đơn tự nguyện xin thoát nghèo (Báo Phú Yên ngày 29/10) trở thành đề tài được nhóm hưu trí chúng tôi bàn tán rôm rả trong buổi cà phê sáng cùng ngày tại quán cóc vỉa hè ngã tư Trường Chinh - Đồng Khởi (phường 7, TP Tuy Hòa).
Theo Báo Phú Yên, Phó Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh Tô Văn Giang xác nhận từ ngày thành lập huyện đến nay, đây là hộ dân đầu tiên ở địa phương viết đơn gửi các cấp chính quyền xin “thoái lui” khỏi diện hộ nghèo. Rà soát mọi thông tin từ trước đến nay, người viết bài này mạnh dạn cho rằng đây cũng là trường hợp đầu tiên có lá đơn như vậy trong toàn tỉnh.
Trong đơn, cụ Huệ nêu lý do xin ra khỏi hộ nghèo rất giản dị: “Tôi xét thấy bản thân tôi già, về lao động không có khả năng, nhưng bản thân tôi còn có hỗ trợ của các con khi ốm đau, đi viện và được sự giúp đỡ của Ban nhân dân khu phố hàng năm. Tôi xét thấy nhiều gia đình còn khó khăn hơn tôi, nay tôi làm đơn xin vượt nghèo hẳn để cho người khác…”.
Lang thang vào Google tìm kiếm, mới hay không chỉ riêng Phú Yên mà ở các địa phương trong nước còn có nhiều người già nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” như cụ bà Nguyễn Thị Huệ. Chẳng hạn như hai cụ Nguyễn Văn Lương và Dương Thị Huệ (90 tuổi, trú thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) viết đơn gởi UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác với lý do “Mặc dù vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên, nhưng nay có con cháu nuôi dưỡng đến nơi đến chốn rồi”. Nhưng trường hợp “độc đáo” có lẽ là thuộc về cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Đầu năm 2018, cụ Mơ đã viết và trực tiếp đạp xe mang đơn đến UBND xã xin cho ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đơn đi lâu quá mà không thấy phản hồi, đầu tháng 10 năm nay, cụ lại tiếp tục đạp xe lên xã để “thúc nhắc” về lá đơn đã gửi. Chủ tịch UBND xã Lương Sơn Lương Xuân Thiêm cho biết: “Lúc cụ Mơ nộp đơn vào năm trước, qua rà soát, chúng tôi thấy gia đình cụ vẫn còn khó khăn nên chưa giải quyết. Vừa rồi, cụ lại đạp xe tới và tiếp tục nêu tâm nguyện. Lãnh đạo xã đã họp bàn và căn cứ vào điều kiện thực tế, thu nhập hàng tháng cũng như nguyện vọng nên hết năm nay sẽ làm thủ tục để công nhận nhà cụ thoát nghèo”.
Còn cụ Mơ nói giản dị: Tôi được hưởng chế độ bảo trợ đối với người cao tuổi, đang tự nuôi được bản thân. Nhờ trồng được lúa, rau và nuôi gà, mỗi ngày tôi đi chợ bán được từ 30.000-50.000 đồng. Như vậy trung bình mỗi tháng thu nhập trên dưới 1 triệu đồng nên không thể ở vào hộ nghèo nữa. Trong khi đó, còn bao nhiêu hoàn cảnh, gia đình trong thôn còn khó khổ, vất vả hơn mình”. Với việc làm ý nghĩa của mình, sáng 22/10, cụ Đỗ Thị Mơ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen.
Theo các quy định của Nhà nước, gia đình xếp loại hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đó là được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí. Bên cạnh đó, hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng…
Nhưng cụ bà Nguyễn Thị Huệ (và các cụ đề cập trong bài viết) đã không ngần ngại nói “không” với các quyền lợi, ưu đãi đương nhiên này với lý do rất nhân văn “vì còn nhiều gia đình khó khăn hơn mình”. Cụ thể ở đây là họ không “cố đấm ăn xôi” với những thứ không phải do sức lao động của mình tạo ra, nhất là khi nhu cầu bản thân và gia đình đã được đáp ứng, có tương đối đầy đủ các điều kiện cơ bản và thiết yếu để vươn đến cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Mặc dù những ưu đãi, quyền lợi được nhận là chính đáng nhưng họ vẫn từ chối để nhường phần cho những người khác, gia đình khác còn thắt ngặt hơn. Rõ ràng, chỉ có những người tự trọng, biết nghĩ đến tha nhân thì mới có hành vi, thái độ ứng xử đáng quý như vậy.
Việc làm của cụ Huệ nói riêng và các gia đình tự nguyện xin thoát hộ nghèo nói chung là cách hành xử văn minh và đậm tình người, rất cần được nhân rộng. Được như vậy sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp lòng tự trọng, tử tế của mỗi người dân, của mỗi cán bộ, đảng viên trong làm việc, công tác và đạo đức, lối sống hàng ngày để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
NGUYỄN NGUYÊN SỰ
(phường 7, TP Tuy Hòa)