Vấn nạn bạo lực học đường ngày càng phức tạp và xem thường dư luận, khiến cho xã hội hoang mang lẫn bức xúc. Nó không những làm nạn nhân đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến đời sống gia đình mà còn có thể là gánh nặng của xã hội. Dù báo chí đã phản ánh rất nhiều nhưng những câu chuyện đau lòng về nạn bạo lực học đường vẫn tung hoành khắp nước.
Như vừa qua, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã đánh hội đồng bạn mình dã man khiến em đó phải nhập viện điều trị tổn thương. Rất buồn cho một thế hệ trẻ khi mà các em không thấy đau đớn trước nỗi đau của đồng loại.
Các bạn cùng lớp đứng xem thật vô cảm, bàng quan khi không ai can ngăn hay có những động thái ứng cứu kịp thời. Ai xem đoạn clip đó đều thương cảm cho cô bé bị đánh tới tấp đến rơi nước mắt và vô cùng căm phẫn nhóm nữ sinh giở thói côn đồ tàn nhẫn với bạn. Đó là chưa nói sự việc đã diễn ra nhiều lần.
Gần nhất là cuối tháng 3, một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Diễn Hùng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị một nhóm bạn nữ dẫn ra rừng phi lao bắt quỳ gối, xin lỗi, đánh đập. Đã vậy nhóm nữ sinh côn đồ còn thách thức dư luận bằng việc quay clip đăng lên Facebook. Con gái mà tính khí hung hăng, côn đồ hơn cả con trai. Vì đâu nên nỗi?
Trong mỗi con người chúng ta đều có một phần nóng nảy, ít hay nhiều. Để kiềm chế và ngăn chặn sự hung hãn bộc phát, nâng sự hòa hiếu lên cao, thì những quy định chuẩn mực về đạo đức và luật đã ra đời. Nhờ thế mà mọi người đều đi vào nề nếp. Do ở một số địa phương xử lý sự việc chưa nghiêm nên dẫn đến nhờn luật, xem thường pháp luật.
Từ đó, cái ác lộng hành, mạnh lên. Có một số bình luận trên mạng xã hội, báo mạng rao giảng đạo đức rằng đuổi học các em học sinh có hành vi côn đồ là bế tắc, thất bại trong giáo dục, là vi phạm quyền công dân, quyền trẻ em...
Vậy những bạn học sinh bị đánh đến thừa sống thiếu chết, rối loại tâm thần, đau đớn thể xác, ai đòi công bằng cho các bạn ấy đây? Rồi nỗi ám ảnh về việc bị người khác đánh đập, làm nhục có thể sẽ mang theo suốt cuộc đời này. Đó là chưa nói sự việc không những làm ảnh hưởng tới việc học của một em mà cả lớp (hoang mang lo sợ), cả trường, cả thế hệ…
Cho thôi học không phải là chấm dứt cuộc đời, sự nghiệp sau này của các em. Cần để các em học trong môi trường phù hợp và phải có “kỷ luật thép” uốn nắn các em nên người. Nếu cứ nhẹ tay cho qua thì tình trạng bạo lực học đường không bao giờ chấm dứt. Cho dù những học sinh côn đồ đó có xin lỗi vì đánh bạn thì đoan chắc rằng “ngựa vẫn quen đường cũ”.
Xử lý nội bộ là rất cần thiết nhưng chính quyền địa phương cần phải khởi tố vụ án, sau đó khởi tố bị can nếu đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...
Phụ huynh của những em bị hại cần thể hiện rõ lập trường mạnh mẽ, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để đi đến cùng sự việc. Mọi công dân đều sống và làm việc theo pháp luật nên không thể có chuyện thiếu công bằng: cứ đánh người rồi xin lỗi là xong.
Phải mạnh tay trừng trị học sinh côn đồ mới giúp cho chốn học đường không còn mất an toàn vì bạo lực nữa, sâu xa hơn là giúp học sinh xóa bỏ tính hung hãn.
TRẦN THÁI HỌC