Lúc 18 giờ 50 ngày 15/4 (23 giờ 50 giờ Việt Nam), lửa bất ngờ bùng lên gây cháy và làm hư hại phần mái của Nhà thờ Đức Bà Paris - tòa công trình kiến trúc Gothic đã tồn tại suốt 850 năm qua, được xem như là một trong những biểu tượng văn hóa không thể thay thế của nước Pháp.
Đến 9 giờ 20 sáng 16/4 (giờ Việt Nam), Sở Cứu hỏa Paris cho biết đã hoàn toàn kiểm soát, khống chế được đám cháy và nguyên nhân đang được điều tra, làm rõ. Thiệt hại của vụ cháy là rất nghiêm trọng và chưa thể thống kê hết được.
Vụ hỏa hoạn lịch sử này làm hư hỏng một phần Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cho không chỉ nước Pháp mà cả thế giới rúng động. Ra đời từ thế kỷ XII đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris là một di sản văn hóa thế giới nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm. Từng xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo, Nhà thờ Đức Bà Paris đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Trong tác phẩm này, tình yêu câm nín và đầy thống khổ của chàng gù Quasimodo và nàng Esméralda xinh đẹp, trong trắng, thơ ngây là điểm nhấn nổi bật khiến người đọc không thể nào quên được…
Đó là chuyện “bà hỏa” tác oai tác quái ở bên trời Tây xa xôi. Còn ở nước ta, khoảng 2 giờ 15 ngày 12/4, một khu xưởng tại ngõ 1 Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) bỗng dưng bốc cháy dữ dội. Hậu quả là có 8 người chết, trong đó, có 4 người cùng quê huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) là hai vợ chồng và hai con cùng trong một gia đình. Người vợ đưa hai con từ Tam Nông xuống Hà Nội khám bệnh, đến ở cùng chồng tại khu xưởng, đâu ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân vụ cháy là do chập điện.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2018, cả nước đã xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ lớn nhỏ mà trong đó, có những vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người lẫn tài sản. Chẳng hạn như vụ cháy chung cư Carina Plaza (số 1648 Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) rạng sáng 23/3/2018 làm 13 người tử vong; vụ cháy xe bồn chở xăng dầu trên quốc lộ 13 (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) sáng 22/11/2018 do va chạm với xe ba gác khiến 6 người tử vong; vụ cháy chiều 21/12/2018 tại nhà hàng Ruby (đường Nguyễn Trãi, phường Xuân Hòa, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) làm 7 người tử vong…
Còn ở Phú Yên, theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ cháy, làm chết 1 người và bị thương 3 người. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy xưởng chế biến hạt điều ngày 9/6/2018 của Công ty TNHH Quang Sơn (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) gây thiệt hại khoảng 2,8 tỉ đồng; vụ cháy lúc 22 giờ ngày 1/2/2018 tại căn nhà số 182 Lê Lợi, phường 4 (TP Tuy Hòa) thiệt hại tài sản khoảng 750 triệu đồng.
Hiện toàn tỉnh lại đang bước vào thời kỳ nắng nóng diễn ra trong thời gian dài. Vì thế, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn và sẽ bất ngờ bùng phát nếu con người lơ là, mất cảnh giác. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ có thể xảy ra gây hệ lụy xấu cho xã hội, vấn đề quan trọng nhất là mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học ở các địa phương trong tỉnh phải thường xuyên nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể là tắt điện hoặc đảm bảo an toàn nguồn điện khi đi vắng, khi không có nhu cầu sử dụng hay phục vụ sản xuất kinh doanh; chú ý cẩn trọng khi đun nấu gas, dùng bếp điện, than củi… phục vụ sinh hoạt hàng ngày, khi thắp nhang thờ cúng, lễ giỗ tại gia. Tại chợ Tuy Hòa và các chợ huyện, thị xã, các tiểu thương tuyệt đối không kinh doanh, sử dụng và nhất là
tàng trữ tại chỗ các chất có nguy cơ cháy nổ cao như xăng, dầu và các chất lỏng dễ cháy; không đốt vàng mã, thắp hương, thắp nến thờ cúng trong khuôn viên chợ; không để hàng hóa lấn chiếm lối đi và đường thoát nạn trong khu vực chợ để phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy cho toàn cộng đồng tự nguyện, tự giác thực hiện tốt công tác này, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh cần thường xuyên tiến hành tổng rà soát, kiểm tra việc phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đặc biệt là các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn.
Qua đó kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị khắc phục những mặt còn tồn tại, thiếu sót, khiếm khuyết trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các đơn vị còn chủ quan, xem nhẹ việc phòng cháy chữa cháy.
Chỉ có luôn đề cao, nhắc nhở ý thức phòng cháy chữa cháy của toàn dân theo hướng cụ thể, thiết thực mỗi ngày; chỉ có phối hợp, triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng cháy chữa cháy theo phương châm “Chủ động phòng chống giặc lửa ngay từ cơ sở”… thì mới hy vọng hạn chế, giảm thiểu và không để các vụ cháy nổ xảy ra, góp phần giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
HUỲNH NAM TÂM