Từ sau Tết đến nay, tại một số địa phương trong nước, liên tục xảy ra các vụ bạo lực trong trường học. Trong đó, nổi lên là các vụ học sinh bạo hành học sinh, khiến dư luận rất bức xúc, khiến ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, xử lý.
Chiều 31/3, một nhóm gồm 5 học sinh lớp 8 của Trường THCS Diễn Kim (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) sang xã Diễn Hùng để chơi với bạn là Tr (học sinh lớp 8, Trường THCS Diễn Hùng). Trước đó, Tr có mâu thuẫn với Th là học sinh lớp 7 cùng trường. Thấy cơ hội giải quyết “ân oán giang hồ” đã đến, Tr gọi cho em Th ra bãi phi lao nằm trên địa bàn xã Diễn Hùng để cho các bạn trong nhóm này bắt quỳ gối rồi tát liên tục vào mặt.
Trước đó, vào ngày 22/3, em N.T. H.Y (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã bị một nhóm nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng một cách dã man. Hậu quả, N.T.H.Y bị tổn thương nặng về sức khỏe và tinh thần, chỉ tạm ổn định sau gần 5 ngày được điều trị tích cực.
Còn ở Phú Yên, vào trưa 15/3, em Y - học sinh lớp 7 Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) - bị ba học sinh khác học trên một lớp gọi vào nhà vệ sinh của trường. Sau đó, cả ba lớn tiếng chửi bới, xỉ vả và đánh vào mặt nên Y bị chấn thương dập cơ, tụ máu bầm vùng thái dương, vùng tai trên. Hội đồng kỷ luật nhà trường đã xử lý vi phạm ba em này với hình thức buộc thôi học 1 tuần…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là rất nhiều, trong đó có vấn đề học sinh bị ảnh hưởng nặng nề, bị “lôi cuốn” bởi lối sống và cách ứng xử không lành mạnh, không chuẩn mực của một bộ phận người lớn trong đời thường và thế giới ảo.
Đó là giải quyết mâu thuẫn cá nhân (lắm khi vì các lý do rất vô duyên và cực kỳ nhỏ nhặt) bằng lời lẽ dung tục, vô văn hóa; bằng nắm đấm, bằng “hàng lạnh” như mũ bảo hiểm, dao, kéo, côn nhị khúc, dao lam… và cả “hàng nóng” như súng, chất nổ, lựu đạn…
Nhưng nguyên nhân quan trọng, sát sườn dễ thấy nhất vẫn là sự buông lỏng quản lý của nhà trường mà cụ thể ở đây là hiệu trưởng, ban giám hiệu và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp. Cụ thể như vụ việc ở Trường THCS Phù Ủng - theo điều tra của cơ quan chức năng - xảy ra ngay tại lớp học và đã diễn ra trong một thời gian dài chứ không phải duy nhất là lần này.
Thế nhưng hoàn toàn không hề có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và sự “hay biết” của giáo viên chủ nhiệm. Nếu như được phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu, khi có sự vào cuộc của giáo viên chủ nhiệm lớp em Y và ban giám hiệu nhà trường, chắc chắn sự việc sẽ không đi quá xa và gây ra hậu quả đau lòng, khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo xử lý nghiêm.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, huyện Ân Thi và lãnh đạo ngành Giáo dục Hưng Yên vào chiều 31/3, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh.
Nếu phát hiện trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Khi thấy có điều gì bất thường thì phải phối hợp với nhau, phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp. Hy vọng rằng chỉ đạo này của Bộ trưởng sẽ được các cấp quản lý trường học, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm các lớp, thường xuyên khắc cốt ghi tâm mà nghiêm túc thực hiện để góp phần giảm thiểu, “hạ nhiệt” các vụ bạo lực học đường trong thời gian tới.
Có như vậy mới góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn để học sinh yên tâm học tập, thầy cô yên tâm giảng dạy và “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thực sự, vững bền.
VŨ HỒNG TÂM