Thứ Hai, 23/09/2024 10:14 SA
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em
Thứ Năm, 28/03/2019 10:40 SA

Cán bộ kỹ năng Thành đoàn Tuy Hòa tập huấn cách sơ cứu người bị đuối nước cho học sinh các trường THCS trên địa bàn - Ảnh: TRUNG HIẾU

Chiều 21/3, nhóm 10 học sinh Trường tiểu học và THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) rủ nhau ra bãi cát Thịnh Minh ven sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chơi.

 

Sau đó, các em xuống sông tắm và có 8 em bị đuối nước. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân địa phương tìm được thi thể tất cả 8 nạn nhân. Một trong hai học sinh may mắn sống sót là em Xa Đình Hoàng (học lớp 4) nhớ lại: “Cháu và anh Long ở gần bờ nhất nên bơi vào và kịp thoát khỏi dòng nước cuốn. Còn các bạn khác thì vùng vẫy, la hét. Sau khi vào bờ, anh Long chạy lên bờ đê để tìm gọi người lớn đến cứu nhưng không kịp”. Chắc chắn đây là nỗi ám ảnh đau buồn mà em Hoàng không thể nào quên được trong suốt cuộc đời của mình.

 

Theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Trọng An, những năm trước, thống kê cho thấy mỗi năm trên cả nước có từ 3.000-3.500 trẻ em chết đuối. Thời gian gần đây, tuy con số này có giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao là hơn 2.000 trẻ/năm. Như vậy, bình quân mỗi ngày toàn quốc có 6 trẻ bị đuối nước, một con số thật đau lòng. Số vụ trẻ em chết do đuối nước còn tăng cao hơn cả số trẻ em chết vì tai nạn giao thông. Bắt đầu từ tháng 4 hàng năm trở đi là thời điểm dễ xảy ra đuối nước trẻ em.

 

Vào dịp nghỉ hè của học sinh các cấp (ngay sau khi tổng kết năm học vào cuối tháng 5) thường là giai đoạn “nở nồi” các vụ tai nạn. Nguyên nhân là lúc này được rảnh rỗi hơn, thời tiết lại nóng bức, các em thường tìm đến sông suối, bãi biển để vui chơi, tắm mát, chụp ảnh lưu niệm… Khi gặp tình huống bất ngờ, do không biết cách ứng phó cho phù hợp nên các em bị tử vong vì đuối nước.

 

Còn ở Phú Yên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền cho biết số vụ đuối nước trẻ em năm 2018 giảm đi rõ rệt so với năm 2017. Kết quả này có được từ nỗ lực của các ngành chức năng trong việc phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy bơi và cung cấp các kỹ năng phòng tránh, sơ cứu người bị đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS ở các xã, phường, thị trấn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng tránh đuối nước trong các trường học và ở địa bàn dân cư theo hướng thiết thực, cụ thể; cắm biển cảnh báo ở các nơi dễ xảy ra đuối nước để nhắc nhở, răn đe mọi người. Bên cạnh đó, các trường học, các gia đình quan tâm hơn đến việc nhắc nhở học sinh, con em không tự ý tắm sông, tắm biển (xuống nước khi chưa có sự giám sát, quản lý của người lớn, tắm nơi vắng vẻ, nơi có dòng chảy xa bờ…) để phòng tránh những tai nạn thương tâm bất ngờ.

 

Việc ngày càng nhiều hồ bơi được xây dựng ở các địa phương, các trường học (mới đây nhất là hồ bơi Yết Kiêu ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Tuy Hòa, vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 11/3) - dưới hình thức xã hội hóa hay do tư nhân đầu tư - trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng góp phần giúp các em học sinh biết bơi để có thể tránh được tai nạn, rủi ro khi rơi xuống nước.

 

Còn khoảng hai tháng nữa là các trường kết thúc năm học 2018-2019. Và lúc đó, ẩn họa của tai nạn đuối nước có thể xuất hiện nhiều hơn bất cứ lúc nào. Vì thế cần phải tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp, biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước. Đó là tiếp tục đầu tư nguồn lực bằng các hình thức đa dạng để xây dựng hồ bơi với các quy mô khác nhau gắn với truyền dạy kỹ năng bơi lội an toàn, kỹ năng sinh tồn dưới nước cho trẻ. Tiếp tục in ấn logo, tờ rơi có nội dung, hình vẽ sinh động, dễ hiểu, dễ nắm bắt về cách phòng, tránh đuối nước, cấp cứu người bị đuối nước để truyền thông rộng rãi trong xã hội. Tiếp tục làm và dựng biển báo, rào chắn ở những hồ nước sâu, ở các khúc sông, đoạn suối tiềm ẩn nguy cơ chết đuối, ít người qua lại để cảnh báo chung.

 

Các bậc phụ huynh tăng cường hơn nữa việc quản lý, nhắc nhở con em trong học tập, sinh hoạt mùa hè, đặc biệt là lưu ý các em không tự phát rủ nhau đi tắm sông, tắm biển mà không có người lớn theo cùng. Các khu dân cư, tổ dân phố ký và cam kết thực hiện quy ước về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự ở khu dân cư, trong đó có nội dung mỗi gia đình không để xảy ra tai nạn đuối nước cho con em mình. Đồng thời tham quan, học hỏi các mô hình phòng tránh đuối nước hiệu quả (sát sườn nhất là dạy trẻ biết bơi) ở các tỉnh bạn để về vận dụng vào thực tế của Phú Yên cho phù hợp… Chỉ có tiến hành đồng bộ các giải pháp, biện pháp nói trên thì mới hy vọng hạn chế được rõ rệt tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Từ năm 2016, TP Đà Nẵng đã ưu tiên đầu tư xây dựng bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn. Các bể được nghiên cứu hợp lý có diện tích 6x11m, được trang bị thêm máy lọc nước, hút cặn, nhà tắm... Khoảng hai tuần, bể sẽ được thay nước một lần. Mô hình “bể bơi” lắp ghép dạng túi nước đặt trong khung này đã được đưa vào trường học, giúp trên 20.000 trẻ 8-12 tuổi ở đây biết bơi, giúp tránh rất nhiều trường hợp chết đuối thương tâm. Nhờ vậy, từ 60-70 trẻ chết đuối/năm, hiện Đà Nẵng giảm xuống còn dưới 10 em/năm.

 

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

 

HOÀNG VÂN KHUÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lời cảm ơn
Thứ Sáu, 15/03/2019 06:00 SA
Gom góp yêu thương cho đời
Thứ Năm, 14/03/2019 09:38 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek