Sáng 11/3, ghé quán cà phê Money Coffee (292 Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa), tôi phát hiện trước cửa quán có đặt tủ “Bánh mì từ thiện” và thùng nước tinh khiết.
Hỏi thăm thì một nhân viên phục vụ cho biết tủ bánh đã có từ trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, bình quân mỗi ngày chủ quán cà phê là anh Nguyễn Trọng Hùng mua 100 ổ bánh mì để phục vụ miễn phí người lao động nghèo, người bán vé số, thu mua ve chai…
Ngay lúc ấy, một người khuyết tật bán vé số ghé vào. Lập tức, một khách uống cà phê quen của quán nhanh nhẹn đứng dậy, mở tủ lấy bánh mì ân cần trao cho ông. Ông nhỏ nhẹ cảm ơn xong chống nạng rời quán, tiếp tục hành trình mưu sinh khó nhọc của mình. Ngồi nhấm nháp cà phê khoảng 20 phút, tôi đếm được thêm 5 người dáng vẻ lam lũ vào mở tủ, cầm một ổ bánh mì rồi đi…
Chị V (trú phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), mua ve chai quen của các gia đình chung hẻm Lê Hồng Phong (phường 7) với nhà tôi cho biết, chị thường nhận bánh mì miễn phí của quán Money Coffee đã hơn 1 tháng nay. Lý do là sáng nào chị cũng thức dậy rất sớm, đạp xe vượt cầu qua bên này thành phố đi tìm nguồn hàng. Vì thế, đến nhận bánh mì tại đây để sau đó ăn kèm với tô bánh canh quán vỉa hè cho “chắc bụng”. Chị nói mỗi lần chỉ lấy đúng 1 ổ. Hôm nào có bạn ve chai không ghé được thì nhắn tin nhờ lấy dùm. Trường hợp này lâu lâu mới xảy ra. Chị chia sẻ: “Chủ quán cà phê Money Coffee đã có lòng tốt hỗ trợ người khó nên mới lập tủ “Bánh mì từ thiện”. Vì thế, mình được ấm bụng mà không tốn tiền thì cũng phải nghĩ đến những người đến sau có hoàn cảnh tương tự”.
Từ tháng 10/2018, tại nhà số 10 đường Lê Lợi (phường 2, TP Tuy Hòa), vào mỗi buổi trưa ngày rằm, mùng một hay từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, quán cơm chay Tâm An (do CLB Đom đóm Phú Yên đảm trách) đều mở cửa phục vụ miễn phí với thức ăn đa dạng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho mọi đối tượng, mà đông nhất vẫn là người nghèo. Hoạt động đều đặn, quán càng thu hút sự chung tay đóng góp của nhiều tấm lòng nhân ái gần xa. Ngoài phục vụ tại chỗ, các bạn trẻ trong CLB còn mang cơm chay tới tận nhà cho người bệnh, người neo đơn không thể đến ăn tại chỗ được.
Việc đặt tủ bánh mì, đặt bình nước, tủ quần áo cũ, mở quán bán cơm miễn phí hoặc giá rẻ phục vụ người nghèo không phải là hoạt động thiện nguyện mới mẻ ở TP Tuy Hòa và nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, phong trào phát triển mạnh nhất phải kể đến TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa… Nhưng trong khi ở các nơi, hoạt động này ngày càng mở rộng với cách làm phong phú, đa dạng thì tại TP Tuy Hòa, tình hình có vẻ khó khăn hơn. Nói vậy là vì cách đây khoảng 5 năm, trên một số tuyến phố của Tuy Hòa, có thể dễ dàng thấy các bình nước miễn phí đặt trước các nhà dân, cửa tiệm để giúp giải khát cho người qua đường. Nhưng bây giờ, các bình nước này gần như biến mất. Cuối năm 2017, Hội LHPN phường 5 (TP Tuy Hòa) thành lập Tủ đồ nhân ái theo phương châm “Ai thiếu tới lấy, ai thừa tới cho” đặt ở cổng phụ trụ sở UBND phường phía đường Nguyễn Trãi để cung cấp quần áo cũ nhưng còn dùng tốt cho người nghèo, được bà con hoan nghênh. Sáng 12/3, khi chạy xe qua đây, người viết bài thấy vị trí này đã bị dỡ bỏ để xây dựng mới. Không biết tủ đồ đã được chuyển tới nơi nào khác cho thuận tiện hơn hay đã bị “âm thầm xóa sổ”?
Nói đến chuyện bán cơm từ thiện cho người lao động ở TP Tuy Hòa thì không thể không nhắc đến Hội quán Nụ Cười. Tháng 9/2016, Hội quán Nụ Cười - do một nhóm bạn trẻ xung kích, tình nguyện vì cộng đồng thành lập - tổ chức bán cơm từ thiện 2.000 đồng/đĩa và cung cấp miễn phí quần áo cũ cho người nghèo vào trưa thứ bảy, chủ nhật hàng tuần ở 67 Nguyễn Du (phường 7). Sau một thời gian, Hội quán Nụ Cười dời về địa điểm mới tại 35 Điện Biên Phủ (phường 7) để mở rộng diện tích, phục vụ được nhiều người hơn. Sau 3 năm được sự hỗ trợ vật chất và sự động viên của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, sự đóng góp tích cực của các thành viên hội quán và các tình nguyện viên, vào tháng 9/2018, Hội quán Nụ Cười đã ngừng cơm trưa 2000 đồng để “chuyển sang mô hình từ thiện khác phù hợp hơn”. Thay đổi hình thức, phương cách từ thiện hay là do gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, không biết nguyên nhân nào là chính, nhưng rõ ràng, sự “nghỉ ngơi” của quán cơm đã để lại luyến tiếc và cả nỗi buồn nơi nhiều người lao động nghèo.
Thời gian qua, sự hình thành của những tủ bánh mì, tủ quần áo, quán cơm từ thiện… (dù chưa thật nhiều lắm), cho thấy ở Phú Yên không thiếu những cá nhân, tập thể muốn “gom góp yêu thương cho đời” bằng cách đồng cảm, sẻ chia với người nghèo còn sống vất vả, gieo neo bằng những việc làm thiết thực đậm tính nhân văn. Vì vậy rất cần sự đồng hành, chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc ủng hộ vật chất và cả tư vấn cách làm để các việc làm, hoạt động thiện nguyện này được liên tục, lâu dài (như Bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã và đang duy trì tốt hàng chục năm nay) và lan tỏa rộng rãi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
HOÀNG VÂN KHUÊ