Ngày 13/12/2018, ông Trần Quang Cường (41 tuổi, giáo viên Thể dục Trường THCS Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) hào hứng kể với phóng viên Đài Truyền thanh huyện Cẩm Xuyên rằng trong khi đang ngồi chờ xe buýt tại TP Hà Tĩnh đã tình cờ nhặt được 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng.
Sau đó, ông đã nhờ bạn đuổi theo xe buýt tìm được và trao lại cho chủ nhân số tài sản này tên là Nguyễn Xuân Đăng (trú thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ngay sau đó, câu chuyện mang đậm tính nhân văn được mạng xã hội facebook và các báo đài đăng tải, loan truyền rộng rãi khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi việc làm cao đẹp của ông Cường.
Nhưng qua tìm hiểu sâu hơn của giới truyền thông, anh Nguyễn Xuân Đăng cho biết mình không hề đánh rơi thứ gì và không liên quan đến câu chuyện “hoang đường” của ông Cường! Rốt cuộc, ông Cường phải có bản tường trình về vụ việc với lãnh đạo trường, lãnh đạo xã, phòng giáo dục huyện và thừa nhận không hề có sự thật như vậy.
Đây chỉ là vụ việc do cá nhân ông bịa ra vì “tôi thấy lâu nay ngành Giáo dục cả nước xảy ra nhiều sự việc không vui. Cho nên mới “sáng tạo” câu chuyện để lan tỏa trên mạng. Qua đó, hy vọng công luận bớt nghĩ xấu về ngành để góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn!”. Dù ông Cường đã bày tỏ sự ân hận, ăn năn về việc làm bồng bột, thiếu suy nghĩ của mình và chân thành xin lỗi anh Đăng, các cấp quản lý giáo dục cùng những người quan tâm nhưng vẫn phải nhận nhiều “gạch đá” của cộng đồng mạng!
Trước đó, vào tháng 11/2018, nhóm thanh niên ở xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cùng tham gia làm thịt một con khỉ để nhậu. Trong đó, một thanh niên dùng điện thoại thông minh phát trực tiếp clip về quá trình làm thịt và ăn óc khỉ trên facebook cá nhân, khiến cộng đồng mạng dậy lên làn sóng phẫn nộ và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý ngay. Lập tức, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Hương Khê nhanh chóng xác định danh tính 5 thanh niên và điều tra làm rõ sự việc. Đến ngày 27/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”…
Thời gian qua, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như facebook, twitter… đã tạo ra những tiện ích thiết thực cho người dùng như kết nối thông tin, chia sẻ kiến thức, tình cảm, sự tử tế, tinh thần thiện nguyện… Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng còn mang đến cho người tham gia (trong đó đa phần là các bạn trẻ) một cuộc sống ảo, xa rời thực tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do những người này muốn các việc làm, hình ảnh, ý kiến… của mình khi đã đăng lên mạng là phải nhận được nhiều like (thích), comment (bình luận). Có thu hút như vậy thì mình mới vang danh thiên hạ, mới xứng là “đỉnh của đỉnh”, mới có thể ngang… đẳng cấp với các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, nghệ sĩ đang “hót hòn họt, sốt sồn sột” trong nước và quốc tế!
Chính vì mãi chạy theo sự sống ảo này mà không ít người quên mất rằng đây cũng chính là con dao hai lưỡi, sự nổi tiếng luôn đi kèm với tai tiếng, dễ dẫn đến thanh bại danh liệt, gặp phải mất mát, đau buồn hoặc vướng vào vòng lao lý, tù tội. Ví như có người trước khi đi du lịch xa và dài ngày đã cao hứng thông báo cụ thể lịch trình lên mạng. Đồng thời đăng hình ảnh ngôi nhà khang trang, sang trọng của mình lên face cho bạn bè chiêm ngưỡng. Đâu ngờ có kẻ xấu cũng đang chơi facebook phát hiện, kỳ công theo dõi tìm ra đúng địa chỉ. Hậu quả là sau chuyến đi chơi vui vẻ, khi về nhà, khổ chủ phải khóc ròng vì nhiều tài sản giá trị đã không cánh mà bay, chỉ biết buồn hiu đi báo công an cho đúng quy trình!
Không hiếm thiếu nữ có dung nhan xinh đẹp, thân hình ưa nhìn liên tục chụp ảnh cá nhân ở mọi góc độ và mọi nơi, trong nhiều loại trang phục, trạng thái rồi đưa lên facebook để “tự sướng”. Nhưng thiếu nữ ấy nào có biết rằng bản thân mình lâu nay đang nằm trong tầm ngắm của một tay “cua” gái kiêm buôn người dạn dày kinh nghiệm đang tìm cách làm quen, chờ cơ hội tốt là bà bán sang nước ngoài để thu lợi như báo chí trong nước đã không ít lần đưa tin…
Câu chuyện của giáo viên Trần Quang Cường và nhóm thanh niên giết khỉ như kể trên chính là hệ quả thấy rõ của việc sống ảo trên mạng xã hội bất chấp sự thật và đạo lý làm người thiện lương. Và họ bị cộng đồng “ném đá”, bị công luận lên án là điều tất nhiên. Vì thế, trước mỗi lần muốn sống “ảo tung chảo” trên mạng xã hội, rất mong mỗi người hãy thận trọng cân nhắc phải trái, lợi hại để nhấn phím sao cho thật văn minh, thiện lành. Làm như vậy mới thiết thực góp phần xây dựng không gian lành mạnh, nếp sống nhân bản, tiến bộ cho cộng đồng mạng nói riêng và xã hội nói chung.
BÙI BẰNG BÌNH