Thứ Ba, 24/09/2024 10:30 SA
Chuyện ở quán cà phê
Thứ Năm, 06/09/2018 07:00 SA

Sáng chủ nhật, nhóm bạn thân chúng tôi họp mặt tại quán cà phê Hiệp Yến trên đường Hùng Vương, phường 7, TP Tuy Hòa. Do gần nửa năm chưa gặp nên ai cũng vui mừng, tíu ta tíu tít trò chuyện, nhất là các bạn nữ. Một chị vừa lấy chiếc smartphone trong ví ra thì có tiếng nhắc nhở: Không có phây phiếc gì nha. Đến đây là để hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, gia đình con cái chớ chẳng phải mỗi người một máy “tự sướng” đâu nhé. Chị vội vàng giải thích: Mình gọi để ông xã ở nhà trưa nay chủ động cơm nước cho hai đứa nhỏ rồi cất ngay thôi mà!

 

Ở bàn đối diện, một gia đình trẻ ba người tập trung dán mắt vào màn hình, mặc cho các ly cà phê, sinh tố dâu, chanh dây nằm chỏng chơ. Ông bố trẻ đang lướt Facebook bằng Iphone, người mẹ có lẽ hào hứng với các clip hài trên chiếc Samsung vì thỉnh thoảng cười tỏ vẻ thích thú. Còn cậu bé thì say mê với trò chơi gì đó trên Ipad, lâu lâu lại ồ à đầy phấn khích khiến mẹ phải lên tiếng nhắc nhở. Nhìn cảnh này, một người bạn nói nhỏ: Bây giờ đi đâu cũng thấy phổ biến chuyện này, nhất là vào quán ăn hay quán cà phê. Tôi thấy nhờ có internet và các thiết bị điện tử, con người mới kết nối được với nhau. Nhưng cũng từ đó, người ta lại ngày càng… xa nhau theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cách đây hơn 1 năm, nhà tôi cũng “lâm” vào tình trạng như vầy nhưng bây giờ đã khá hơn nhiều rồi, các bạn à…

 

Rồi bạn kể chuyện nhà mình. Do điều kiện kinh tế tương đối khá, anh là người mê công nghệ nên cả bốn người trong nhà đều có smartphone, máy tính bảng riêng. Hai vợ chồng cả ngày đi làm, đêm về cơm nước xong, mỗi người chỉ hỏi thăm vài câu rồi mạnh ai nấy lo “lướt” điện thoại. Anh vào mạng đọc báo, nghe nhạc, chị thì thích xem phim tình cảm Hàn Quốc hay phim cổ trang Hồng Kông, Đài Loan. Cậu con trai lớn học lớp 10 thì ôm điện thoại chui vô phòng đóng chặt cửa, chẳng biết có tự giác học bài, làm bài không? Còn con gái út đang lớp ba trường tiểu học của phường cũng làm bạn với máy tính bảng vì “các bài tập con đã làm xong hồi chiều rồi!”. Có dịp du lịch Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… hay đi ăn sáng cùng nhau ở Tuy Hòa, cứ mỗi người một máy mà ít khi trò chuyện, hỏi han nhau. Lúc đầu, sự việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng sau một thời gian, anh nhận thấy cả gia đình tự nhiên tách rời ra theo kiểu “mỗi người một cõi”! Bữa ăn chung mỗi tối, không khí ấm áp, thân tình, vui vẻ như mọi ngày đã dần biến mất. Ai cũng nhai vội nhai vàng cho xong rồi lo “ôm” máy của mình! Thi thoảng hỏi thăm công việc và kết quả kinh doanh của công ty vợ, anh chỉ nhận được những câu trả lời ngắn ngủn chiếu lệ và không nhiệt tình như các lần trước nữa. Khi quan tâm tìm hiểu kết quả học tập của con trai, cậu trả lời nhát gừng: Vẫn bình thường ba à! Nhưng kết thúc năm học, khi thay vợ đi họp phụ huynh, anh bất ngờ khi biết quý tử bị xếp vào tốp cuối của lớp! Anh bàng hoàng vì từ cấp một đến nay, con trai luôn là học sinh xuất sắc, học sinh giỏi cơ mà! “Tra khảo” ngọt nhạt đủ điều, cậu mới thú nhận sỡ dĩ có kết quả không tốt như vậy là do mê “cày” game hàng đêm trên điện thoại! Còn với bé út, trong một lần tình cờ, vợ anh phát hiện mắt bé bị cận thị nên phải đưa con đi đo và cắt kính!

 

Cảm thấy hoang mang, lo lắng, anh nói hết sự tình với vợ và cho rằng nguyên nhân là do cả nhà “mê” điện thoại, máy tính bảng. Lúc đầu, chị không đồng tình khi anh “đổ lỗi” cho các thiết bị điện tử nhưng sau một buổi suy nghĩ, chị mới thấy “sáng” ra vấn đề. Thế là hai vợ chồng đề ra và quyết tâm thực hiện kế hoạch “cai” smartphone. Cụ thể như ở nhà, cả hai hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại để làm gương cho hai con. Chiếc smartphone đời mới của cậu cả tạm thời bị “thu giữ”, thay vào đó là một điện thoại “cùi bắp” dành để liên lạc với cha mẹ, bạn bè. Muốn tìm kiếm thông tin phục vụ học tập thì đã có laptop dùng chung ở phòng khách gia đình. Đồng thời, máy tính bảng của bé út cũng bị “quản thúc” chặt chẽ hơn, mỗi tuần chỉ được sử dụng khoảng vài giờ để giải trí… Anh cho biết giai đoạn đầu, tình hình rất khó khăn, nhất là đối với hai con (và cả với hai vợ chồng nữa). Nhưng sau khoảng 2 tháng thì mọi người quen dần. Cuộc sống trong nhà trở nên thân thiện với nhiều cảm xúc gắn bó, dễ thương hơn, nhất là những bữa cơm, những lần sum họp gia đình đã ấm áp yêu thương như trước. Mối quan hệ vợ chồng - con cái gắn bó hơn, đặc biệt là việc học của con trai lớn đã có nhiều chuyển biến rất tích cực!

 

Anh bạn tôi kết luận: Thời buổi bây giờ, việc bỏ qua hay từ chối những thiết bị điện tử là không nên và không thể bởi chúng đem lại những tiện ích vô cùng lớn lao và cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, hãy biết sử dụng chúng một cách có chừng mực để không bị lệ thuộc, không làm tách rời, thui chột tình cảm, cảm xúc giữa người với người và cả suy giảm thị lực. Từ thực tế của gia đình, tôi rút ra bài học quan trọng là người lớn, bố mẹ trong nhà phải làm gương trong việc sử dụng công nghệ và biết dùng một cách khoa học, biết tiết chế để có lợi cho bản thân. Có như vậy thì mới không có những người sống giữa người thân mà luôn cảm thấy cô đơn trong vỏ bọc cái tôi của mình và như vậy thì không có lợi cho sự phát triển của xã hội vậy!

 

HOÀNG VÂN KHUÊ

(phường 7, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek