Qua các phóng sự, phim ảnh, tin tức trên truyền hình, live-stream trên facebook… nhìn thấy những đứa trẻ nước ngoài (kể cả các nước kém phát triển và đang phát triển) đi học mà tôi thấy xót xa cho con mình.
Ở những nơi đó, bọn trẻ tung tăng đến trường hồn nhiên với chiếc cặp nhẹ tênh trên lưng. Cái cách bọn trẻ chạy nhảy thoải mái cũng đủ hiểu trọng lượng chiếc cặp ra sao. Trong khi trẻ em Việt Nam, không riêng gì con tôi, đều đến trường với dáng đi uể oải, mệt mỏi, thật tội làm sao. Chiếc cặp to hơn tấm lưng của trẻ, nặng trịch, oằn trễ tới mông, như muốn bung dây vì nặng.
Nhiều người chưa lập gia đình thắc mắc có gì trong chiếc cặp mà nặng thế? Xin thưa, trong đó tất nhiên là chứa dụng cụ học tập, nhưng số lượng khá nhiều cho một buổi học. Này nhé, một ngày học 4, 5 môn thì phải mang theo 4, 5 quyển sách, 4, 5 quyển tập. Đó là chưa nói những môn có hai loại tập như toán có bài tập và bài học, ngữ văn có tập làm văn và ngữ pháp. Hiện nay, ở bậc tiểu học, bài tập đã được Bộ GD-ĐT cho in riêng thành sách (có thêm một quyển tập nháp dự phòng), lại khiến cho trọng lượng chiếc cặp tăng lên. Tất nhiên, Bộ GD-ĐT và nhà trường không bắt buộc phải tách riêng vở bài học và vở bài tập, nhưng đây là quy ước và học sinh nào cũng phải làm thế nhằm dễ ôn bài và dễ tra cứu khi tìm kiếm. Ngoài tập sách, trong cặp còn có thước, bút, đồ dùng cá nhân... Nhiều bà mẹ thương con, quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của con mình, đã bỏ vào chiếc cặp một chai nước lọc, bịch bánh, hộp thức ăn nhà làm. Tính ra chiếc cặp nặng 5-6kg. Có bé vóc dáng gầy nhom, chỉ độ 13-15kg, nhưng lại mang trên vai chiếc cặp đến 5kg. Trông thật xót xa làm sao!
Nói chung cũng một phần do lỗi của phụ huynh. Có người sợ con quên trước quên sau nên có bao nhiêu sách vở đều nhét vào chiếc cặp. Cũng có khi điều ấy là do lỗi ở các em học sinh: "Con không đem đầy đủ, rủi thiếu thì lấy gì mà làm. Thôi con cứ đem hết, đỡ mất công". Bởi học sinh lo sợ bị thầy cô la, sợ bị điểm kém nên để an toàn thì cứ đem theo hết. Thành ra từ việc lo xa đã khiến trẻ như một con kiến đang cõng trên lưng miếng mồi to. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trẻ em đeo hay mang, vác bất kỳ thứ gì nặng hơn 15% trọng lượng cơ thể sẽ có hại đến cột sống, xương... Hình ảnh này nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, không sớm thì muộn, trẻ dễ bị bệnh tật. Bởi cơ thể trẻ trong quá trình phát triển, hướng đến hoàn thiện thể chất, nhưng nếu vận động không tích cực sẽ trở nên tác dụng ngược.
Học sinh đã quá căng thẳng với việc học. Nào là học chính khóa, ngoại khóa, học thêm, năng khiếu, nghề... đến nỗi không còn thời gian để vui chơi, giải tỏa căng thẳng. Đã vậy còn phải mang chiếc cặp khủng, khiến cho việc học trở nên quá nặng nề. Để giảm gánh nặng học tập cho học sinh thì chiếc cặp cần phải nhẹ, theo đủ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất nhiên, Bộ GD-ĐT cần có phương án mới trong việc giảm nội dung sách giáo khoa. Nhà trường nên khuyến khích học sinh mang vừa đủ tập khi đến lớp (thông qua phụ huynh). Cha mẹ cũng nên quan tâm đến việc học tập của con cái bằng việc tìm hiểu bên trong chiếc cặp con có những gì, từ đó giúp con soạn sách vở chỉn chu, gọn ghẽ trước khi đến lớp. Đừng để con trẻ mang vác quá nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
TRẦN MINH THI