Thứ Ba, 24/12/2024 01:04 SA
Cùng bảo vệ, tôn tạo mạch sống quê hương Đồng Cam
Thứ Năm, 30/08/2018 06:00 SA

Bạn đọc của Báo Phú Yên tâm đắc số báo 3934 ngày 28/7/2018 có bài viết “Chung tay “giải cứu” hệ thống thủy nông Đồng Cam”. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cũng đã kêu gọi cả hệ thống chính trị trong tỉnh phải chung tay vào cuộc; Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng đề cập tâm huyết vấn đề này.

 

Là người dân gắn bó trọn đời với dòng nước ngọt Đồng Cam, tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến định hướng để tuyên truyền vận động và làm cho mỗi người thấy trách nhiệm của mình phải bảo vệ, đấu tranh chống triệt để những hành vi lấn chiếm, vứt súc vật chết và rác thải làm cho dòng nước trong lành bị ô nhiễm.

 

Con kênh này đã trải qua bao thăng trầm, kể từ ngày 7/9/1932 toàn quyền Đông Dương Pasawier tổ chức long trọng lễ khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống thủy nông Đồng Cam.

 

Đồng Cam là biểu tượng của mạch sống quê hương đã gắn với trang sử vàng tỉnh Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến. Đến năm 1949, tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5 được thành lập tại sân vận động thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An.

 

Trưa 26/8/1949, nhận được tin Trung đoàn 803 báo có một trung đoàn lính Âu Phi của giặc Pháp đang mở cuộc hành quân từ Tây Nguyên xuống, trang bị vũ khí mạnh và nhiều thuốc nổ TNT tiến thẳng về đập Đồng Cam để phá đập, Tiểu đoàn trưởng Nam Hồ cùng chính trị viên báo cáo Trung đoàn Trưởng Lư Giang cho Tiểu đoàn 365 hành quân cấp tốc vượt sông Ba lên ngay phía nam đập để chặn địch, bảo vệ đập Đồng Cam. Được trung đoàn trưởng đồng ý, Tiểu đoàn Trưởng Nam Hồ liền hội ý và lệnh cho tiểu đoàn hành quân cấp tốc, đúng giờ G chủ động bố trí phục kích. Khi đến vị trí đập Đồng Cam, Tiểu đoàn Trưởng Nam Hồ triển khai thế trận bảo vệ đập, giao nhiệm vụ cho Đại đội 200 là đơn vị chính đánh lướt sườn gồm có Đại đội trưởng Nguyễn An, Chính trị viên Hoàng Huân, Đại đội phó Lương Công Chất có nhiệm vụ đánh thẳng vào đội hình địch, các đơn vị khác chặn đầu và khóa đuôi.

 

Sau khi bố trí xong trận địa, khoảng 11giờ 30 trưa 26/8/1949, quân địch cũng vừa hành quân tới lọt vào vòng vây của ta. Đại đội 200 đồng loạt nổ súng bắn vào giữa đội hình của địch. Sau tiếng kèn đồng xung trận của đồng chí Lê Hớn, quân ta đồng loạt xung phong mãnh liệt. Sau một giờ chiến đấu, địch bỏ lại hàng trăm xác chết, cùng súng đạn và thuốc nổ TNT. Địch rút chạy về Cheo Reo, Sông Hinh. Quân ta làm chủ chiến trường thu nhiều súng đạn và thuốc nổ TNT cùng dây cháy chậm, kíp nổ, giải thoát 50 cán bộ bị chúng bắt dẫn đường và hàng trăm con bò bị chúng cướp của dân. Trận chiến này là sở trường của Tiểu đoàn 365 nên thắng rất giòn giã. Nhưng do tính chất trận đánh rất ác liệt nên ta phải hy sinh 20 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí cán bộ đại đội là Nguyễn An, Hoàng Huân và Lương Công Chất, là những người con Phú Yên.

 

Sau chiến thắng Sông Ba Trường Lạc bảo vệ đập Đồng Cam, đơn vị đóng quân tại xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa để củng cố lực lượng. Tiểu đoàn phân công Trung đội 12.7 thuộc Đại đội 214 trực giữ Cầu Máng.

 

Đúng như dự đoán, đầu tháng 1/1950 địch cho máy bay chiến đấu đến Cầu Máng trên đập Đồng Bò phá đập; chúng không ngờ ta có súng phòng không 12ly7 chờ sẵn. Bộ đội ta nổ súng bắn trúng máy bay địch bốc cháy và đâm thẳng vào núi. Trong trận này có Kostasarautidađi (Nguyễn Văn Lập) là chiến sĩ quốc tế người Hy Lạp được trung đoàn tặng giấy khen về thành tích bắn rơi máy bay địch bảo vệ Cầu Máng. Năm 2014, Nguyễn Văn Lập được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến thắng Sông Ba Trường Lạc được lịch sử Phú Yên ghi nhận. Trận Sông Ba Trường Lạc đã đập tan âm mưu đen tối của địch là đánh vào kinh tế vùng tự do nhằm thắt chặt dạ dày của cuộc kháng chiến.

 

Là một người lính từng tham gia bảo vệ hệ thống thủy nông Đồng Cam, tôi xin có kiến nghị với các cấp chính quyền như sau:

 

+ Một là, hãy nhanh chóng tuyên truyền vận động từng người, từng gia đình bảo vệ hệ thống kênh đập, vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ, bảo vệ dòng nước chính là bảo vệ mình và thế hệ mai sau.

 

+ Hai là: Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, vứt súc vật chết và rác thải xuống kênh mương của hệ thống đập Đồng Cam.

 

+ Ba là: Di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh Đồng Cam còn hội tụ các yếu tố về lịch sử tâm linh nên hàng năm cứ đến mùng 8 Tết là Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà về đây thắp hương để tri ân những người vĩnh viễn ra đi khi tham gia xây dựng đập. Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 365 cũng đã nhiều lần viết bài đăng báo nêu gương những người đã ngã xuống để bảo vệ đập Đồng Cam. Do vậy cần xây dựng Đài tưởng niệm hoặc Bảng chiến công nơi diễn ra trận đánh… để tri ân những người vĩnh viễn ra đi.

 

TRẦN THÀNH CHÍNH

(Cựu binh Tiểu đoàn 365)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek