Chiều thứ bảy vừa rồi, tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), tình cờ tôi gặp một hình ảnh rất dễ thương. Đó là một bé gái ngồi trên ghế đá đọc say sưa tập sách 101 truyện cổ tích Việt Nam và thế giới do tác giả Bảo Tiên biên soạn, nhà xuất bản Văn học phát hành.
Các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ đọc sách để tạo thói quen tốt cho trẻ - Ảnh: THÚY HẰNG |
Chị Lê Thị Lan, du khách đến từ quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), là mẹ của bé Nguyễn Vân Linh, chia sẻ: Cháu Linh hè này vào lớp 2 , đã ham đọc sách từ đầu năm lớp 1. Thấy con có sở thích như vậy nên vợ chồng rất vui, khi nào có dịp là mua sách làm quà cho con, nhất là vào dịp sinh nhật. Chị cho biết thêm: Trong mấy ngày đi du lịch tại Phú Yên, trừ những lúc theo cha mẹ đi chơi gành Đá Đĩa, bãi Xép, Nhất Tự Sơn…, thời gian rảnh là cháu dành cho việc đọc sách.
Không những thích truyện cổ tích, truyện tranh, cháu còn rất mê những cuốn sách liên quan đến đời sống vạn vật, nhất là các loài thú trên hành tinh. Tôi hỏi: Đọc sách như vậy lâu nay có giúp ích gì cho việc học của cháu ở lớp không? Chị Lan cười: Kết quả năm học vừa rồi, cháu xếp vị thứ nhất trong lớp. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm khen cháu có vốn từ vựng rất phong phú. Tôi cho rằng đây cũng là một phần quan trọng nhờ vào đọc sách!
Chia tay chị, về nhà, tôi vào internet tìm hiểu những ích lợi của việc đọc sách đối với trẻ và phát hiện nhiều điều lý thú. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, đọc sách giúp não bộ của trẻ suy nghĩ nhiều hơn, năng động hơn so với ngồi xem tivi, góp phần cải thiện sự tập trung vào vấn đề quan tâm nào đó. Nếu duy trì thường xuyên việc đọc, trẻ sẽ phát triển tốt khả năng tập trung làm việc trong thời gian dài, đây là kỹ năng rất cần thiết cho quá trình học tập suốt đời sau này.
Bên cạnh đó, đọc sách giúp cho trẻ khám phá và hiểu biết thế giới chung quanh, làm giàu kiến thức về tự nhiên, xã hội, có nền tảng kiến thức phong phú để tự tin học tập ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, việc đọc sách giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, đồng thời cải thiện vốn từ vựng và các kỹ năng ngôn ngữ phát triển cao hơn. Đó là nhờ thông qua đọc sách, trẻ phát hiện, tiếp thu các từ mới, học được cách diễn đạt ngôn ngữ mạch lạc, trong sáng để ứng dụng vào học tập ở trường và trong giao tiếp hàng ngày. Các nghiên cứu cũng cho thấy, đọc sách giúp trẻ phát triển lòng cảm thông, chia sẻ với bạn bè, đồng loại, nhất là đối với những tác phẩm văn học có giá trị hướng con người đến chân, thiện, mỹ, góp phần hình thành, xây dựng lối sống lành mạnh, thiện lương… cho độc giả.
Có thể thấy việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ em và cả với người lớn chúng ta nữa. Chị Huỳnh Thị Thanh Vũ (phường 5, TP Tuy Hòa) cho rằng nhờ có thói quen đọc sách từ hồi cấp hai nên bây giờ chị thuận lợi hơn trong dạy dỗ con cái, nhất là môn Tiếng Việt. Rất may là cậu con trai duy nhất của gia đình, hiện đang học lớp 8, cũng có niềm vui như mẹ. Chị kết luận: Trong khi đa phần bạn bè trong lớp thích thú với màn hình điện thoại thì con mình lại ham đọc sách. Sở thích của “hắn” là sách văn học thiếu nhi, sách viết về lịch sử, cuộc đời của các danh tướng, danh nhân trong nước và thế giới… Như vậy rõ ràng là tốt hơn nếu suốt ngày cứ dán mắt vào tivi hay điện thoại!
Nhưng lâu nay, lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ hầu như chưa được các bậc cha mẹ chú ý để phát huy. Bây giờ đi đâu, ở nhiều nơi, chúng ta thường “mục sở thị” cảnh nhiều trẻ em bị cuốn hút vào màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng, để xem phim, chơi trò chơi, xem các video clip… Theo một kết quả nghiên cứu, trẻ sẽ trở nên thụ động trong suy nghĩ nếu dành quá nhiều thời gian cho các loại màn hình này. Đồng thời do thiếu sự tương tác với các bạn đồng trang lứa, với cha mẹ, người thân nên dễ mắc bệnh tự kỷ, dễ sinh ra trầm cảm, cáu gắt!
Muốn trẻ yêu thích đọc sách thì đầu tiên là cha mẹ phải làm gương trong việc này. Cha mẹ cứ chăm bẵm mỗi người một cái điện thoại mà nhắc nhở con phải đọc sách rõ ràng là rất phản cảm. Phải làm thế nào để việc đọc sách trở thành hoạt động thường xuyên và là niềm vui của tất cả các thành viên trong gia đình. Khuyến khích trẻ đọc sách bằng những lời động viên thiết thực, bằng cách cung cấp loại sách phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của đối tượng. Nên trao đổi, chia sẻ ý kiến về một quyển sách vừa đọc xong để trẻ cảm nhận tốt hơn nội dung, rèn kỹ năng tìm hiểu, đào sâu, tranh luận về vấn đề quan tâm… Để trẻ ham đọc sách, cha mẹ phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài và bắt đầu cho trẻ làm quen ngay từ cấp học nhỏ nhất. Phải kiên trì động viên, khuyến khích bằng các hình thức phù hợp và kịp thời để đọc sách trở thành thói quen tốt của trẻ. Đây là việc rất khó nhưng nếu các bậc cha mẹ cố gắng liên tục, không lùi bước trước bao trở ngại thì chắc chắn sẽ thành công.
NGUYỄN HÙNG THI
(phường 2, TP Tuy Hòa)