Tôi là cựu chiến binh cao tuổi, đã đi qua 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, đánh Mỹ và chống quân bành trướng ở biên giới Tây Nam, vì một đất nước độc lập, thống nhất đi lên CNXH nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Sau khi đọc bài: “Cụm dân cư Lạc Sanh (Tây Hòa): Vẫn còn đứng bên lề của sự phát triển” của nhà báo Phan Thanh đăng trên Báo Phú Yên số ra ngày 17/5/2018, tôi thật sự ngỡ ngàng và vô cùng xúc động trước thảm cảnh của 12 hộ dân với 40 nhân khẩu đã nhiều năm sống cảnh đời 3 không: không sổ đỏ, không đất sản xuất và không có điện sinh hoạt.
Tôi tự hỏi, họ là ai? Và tự mình trả lời: Họ là công dân của nước CHXHCN Việt Nam! Họ từ đâu đến? Họ ra đi từ một làng quê ở thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa cũ, theo tiếng gọi của Tổ quốc đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đã từng chịu đựng biết bao khó khăn, gian khổ khi phải rời làng quê đến khu kinh tế mới, đối mặt với sự thiếu thốn mọi bề từ cái ăn cái mặc, đến những trận sốt rét rừng cướp đi bao sinh mạng… Họ đã chịu đựng và vượt qua.
Thật kỳ lạ! Đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế ngày càng phát triển, từng bước đem lại ấm no cho mọi người dân. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang tiến như vũ bão, nhân loại đang bước vào nền công nghệ 4.0. Có ai ngờ đâu “trên địa bàn Phú Yên còn một xóm nhỏ gồm 12 hộ dân với 40 nhân khẩu đã sống ở đây 40 năm vẫn chưa có điện, không có đất sản xuất và chưa được cấp sổ đỏ”.
Mục tiêu mà đại hội Đảng các cấp đề ra: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và cũng theo mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “để mọi người không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng điểm dân cư Lạc Sanh, thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông này bị bỏ lại phía sau lâu lắm rồi! Ở thế kỷ XXI mà 40 nhân khẩu ở đây vẫn sống cảnh đèn dầu, hàng ngày vào rừng hoặc đến sông suối săn bắt, hái lượm các sản vật thiên nhiên chim trời cá nước để sống qua ngày.
Tiếng kêu của các hộ dân ở đây đã rát họng, khản tiếng từ bao nhiêu năm nay rồi. Đã đến lúc, các cấp ủy đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể của xã Sơn Thành Đông, của huyện Tây Hòa và các cấp, ngành ở tỉnh Phú Yên phải khẩn trương vào cuộc giải quyết.
Từ phản ánh của bài báo trên, điều mong muốn của tôi là: Nông trường trả lại 85ha đất rừng mà họ đã khai hoang và giao cho nông trường trước đây để bà con có đất sản xuất. Huyện Tây Hòa xem xét cấp sổ đỏ, đăng ký hộ khẩu cho bà con yên tâm sinh sống ổn định lâu dài. Và bằng giải pháp nhanh nhất, Điện lực Phú Yên nên lập đường dây cấp điện sinh hoạt cho bà con.
Có như thế thì chúng ta mới thực hiện sự “công bằng” một vế của mục tiêu tổng quát nêu trên. Và có như thế, chúng ta mới “không để một ai bị bỏ lại phía sau”.
Anh hùng LLVT HỒ ĐẮC THẠNH
(phường 5, TP Tuy Hòa)