Thứ Ba, 24/12/2024 07:21 SA
Cụm dân cư Lạc Sanh (Tây Hòa): Vẫn còn đứng bên lề của sự phát triển
Thứ Năm, 17/05/2018 08:54 SA

Bà con 12 hộ dân cụm dân cư Lạc Sanh trình bày nguyện vọng với phóng viên Báo Phú Yên - Ảnh: PV

28 năm trước, Đảng và Nhà nước thực hiện Di chúc Bác Hồ miễn thuế nông nghiệp cho nông dân trong một năm.

 

Một số địa phương đồng bằng Tuy Hòa đã dùng số tiền này để xây dựng mạng lưới điện thắp sáng đến từng hộ gia đình. Xóm làng có điện thay sao, bà con nông dân trìu mến gọi là “ánh sáng Bác Hồ”. Công cuộc điện khí hóa nông thôn ở Phú Yên kéo dài 20 năm với sự kiện Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bật cầu dao cấp điện đến thôn cuối cùng ở tỉnh Phú Yên năm 2010 - một trong những công việc đầy ý nghĩa chào mừng Phú Yên 400 năm và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

 

Thế nhưng, gần đến ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/2018, trên địa bàn Phú Yên vẫn còn một xóm nhỏ (điểm dân cư Lạc Sanh, thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) gồm 12 hộ với 40 nhân khẩu đã sống ở đây 40 năm vẫn chưa có điện, không có đất sản xuất, chưa được cấp sổ đỏ nhà cửa - dù chỉ là cái lều tạm bợ che mưa nắng trong 40 năm qua.

 

40 nhân khẩu vẫn sống cảnh đèn dầu, nước suối, hàng ngày vào rừng hoặc đến sông suối săn bắt, hái lượm các sản vật thiên nhiên chim trời cá nước để sống qua ngày. 40 cư dân hầu như đứng bên lề của sự phát triển. Do điều kiện sống và mưu sinh quá nhọc nhằn, hầu hết bà con đều thất học.

 

Dù rất mong muốn được trình bày hoàn cảnh lên các cấp thẩm quyền nhưng bà con không thể viết được lá đơn.

 

Nỗi niềm người dân

 

Cám cảnh trước những mảnh đời cơ cực, lặng chìm trong mưa rừng bất chợt trời hè, phóng viên Báo Phú Yên đã tìm gặp nhiều bà con để tìm hiểu căn nguyên.

 

Bà Nguyễn Thị Nhớ (65 tuổi) nói rằng: “Điểm dân cư Lạc Sanh còn sót hôm nay là hậu duệ của những người tiên phong xây dựng vùng kinh tế mới. Sau giải phóng năm 1978, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, cha tôi là Nguyễn Trọng (khóm 1, thị trấn Phú Lâm) cùng nhiều bà con ở thị trấn Phú Lâm xung phong xây dựng vùng kinh tế mới miền Tây huyện Tuy Hòa ở Lạc Sanh. Lúc đầu, vùng kinh tế mới rất đông, sau đó do bị sốt rét, sản xuất bấp bênh, nhiều bà con quay về quê cũ. Do nhiều người dân bỏ vùng kinh tế mới ra đi, Nhà nước giải thể vùng này. Số dân còn lại, Nhà nước giao cho Lâm trường huyện Tuy Hòa. Nhưng lâm trường chỉ nhận diện tích đất do dân khai hoang, còn con người thì không nhận. Cụm dân cư này không có ai quản lý. Con cháu chúng tôi làm giấy khai sinh, xã Sơn Thành cũ không ký. Về quê cũ Phú Lâm cũng không ký, do đã đi khỏi địa phương. May thay, xã Hòa Thành chịu làm khai sinh cho hàng chục cháu. Mãi đến năm 2008, sau 30 năm sinh sống ở vùng kinh tế mới, cụm dân cư này mới được chính quyền xét cấp hộ khẩu thường trú ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.

 

Ngôi nhà tạm bợ xiêu vẹo của gia đình anh Ma Văn Trung trước khi dỡ bỏ để xây dựng lại chắc chắn hơn trong tháng 5/2018

 

Có được hộ khẩu bà con rất mừng. Nhưng cụm dân cư này đến nay vẫn chưa có điện, chưa có đất sản xuất (đất của bà con khai hoang trước đây đã nhập vào lâm trường huyện) và chưa ổn định chỗ ở (sinh sống 40 năm rồi mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ).

 

Chúng tôi tiếp tục lắng nghe nhiều người dân như Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Dư, Nguyễn Văn Sơn, Dương Thị Thư, Lại Ngọc Thắng, Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Hoài Phương, Nguyễn Hồng, Phan Văn Hậu… bày tỏ nhiều nỗi niềm. Bà con nói rằng, họ đã bám trụ sinh sống ở vùng núi Lạc Sanh, chôn nhau cắt rốn tại đây đến ba đời mà vẫn chưa được hưởng những quyền lợi tối thiểu cần thiết như những người dân bình thường khác ở cùng thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông.

 

Tấm lòng của Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông

 

Ngày 14/5/2018, phóng viên Báo Phú Yên trực tiếp trao đổi về tình cảnh của 40 người dân ở cụm dân cư Lạc Sanh với Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông Thái An Nam. Vị Chủ tịch xã am hiểu sâu sắc tình cảnh của 40 hộ dân này còn hơn những nội dung chúng tôi phản ánh. Ông Thái An Nam đã lần lượt trả lời 3 vấn đề bức xúc của cụm dân cư Lạc Sanh.

 

Về điện thắp sáng sinh hoạt, đây là vấn đề trăn trở từ thời còn huyện chung Tuy Hòa trước đây đến huyện Tây Hòa hôm nay. Đường điện đến cụm dân cư Lạc Sanh có cự ly gần với xã Hòa Mỹ Tây hơn xã Sơn Thành Đông. Ông Trần Văn Phước, Phó Giám đốc Điện lực Tây Hòa có thông báo với lãnh đạo xã Sơn Thành Đông là đang trình cấp trên phương án đầu tư đưa điện từ xã Hòa Mỹ Tây lên cụm dân cư Lạc Sanh và sẽ hoàn thành trong năm 2018, hoàn tất cấp điện cho cụm dân cư cuối cùng của tỉnh Phú Yên.

 

Về đất sản xuất cho cụm dân cư Lạc Sanh, thì năm 1995, thực hiện Nghị định 64CP cấp đất sản xuất cho dân nhưng thời điểm ấy, 12 hộ dân này chưa nhập khẩu ở Sơn Thành Đông. Khi làm thủ tục cho bà con nhập khẩu về thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông năm 2008 (thực tế bà con đã sinh sống ở đây từ năm 1978), thì xã Sơn Thành Đông không thể cân đối quỹ đất sản xuất cho 12 hộ dân này. Còn đất sản xuất mà bà con khai hoang thời kinh tế mới (85ha) đã nhập vào Lâm trường huyện Tuy Hòa. Xã Sơn Thành Đông sẽ xem xét tạo điều kiện cho bà con thuê đất 5% xã đang quản lý để sản xuất, sinh sống, bởi thời điểm hiện nay không còn giao đất theo Nghị định 64CP như 23 năm trước đây.

 

Về sổ đỏ đất ở, bà con đã sinh sống ở đây 40 năm, đã là thổ địa của vùng Lạc Sanh. Bà con đang ở trên đất do UBND xã quản lý. Do cụm dân cư này chưa được quy hoạch vùng khép kín khu dân cư, nên chưa đủ cơ sở pháp lý để cấp sổ đỏ cho bà con. UBND xã Sơn Thành Đông đã vận động 12 hộ dân mua đất ở tại trung tâm xã để có điều kiện sống tốt hơn nhưng bà con quá nghèo, không có tiền. Mặt khác, họ ở đây đã ba đời, ở đâu quen đó, quyến luyến không chịu đi. Xã sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để giải quyết thấu tình đạt lý việc này.

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông Thái An Nam còn cho biết thêm: Cơn bão số 12 ngày 2/11/2017 đã tàn phá tan hoang nhiều ngôi nhà tạm ở cụm dân cư này. Ngôi nhà tạm của vợ chồng anh Ma Văn Trung và chị Nguyễn Thị Dư bị bão tàn phá xiêu vẹo. Xã quá nghèo chưa giúp được cho dân dựng lại ngôi nhà. Hiện nay, gia đình anh Ma Văn Trung đang nỗ lực xây dựng lại ngôi nhà chắc chắn hơn trên nền nhà cũ. Tình thì hoan nghênh nhưng về lý thì nhà anh Trung chưa được cấp sổ đỏ (do chưa được quy hoạch vùng khép kín khu dân cư) nên xã có lập biên bản tạm dừng. Dân phản ứng việc này và xã đã báo cáo lên lãnh đạo huyện.

 

Riêng các suất quà từ thiện, nhân đạo dành cho các hộ nghèo trong các dịp lễ, Tết, xã Sơn Thành Đông đều quan tâm đến 12 hộ dân này như những hộ nghèo khác trong địa bàn xã.

 

Đôi điều mong muốn

 

12 hộ dân nghèo với 40 khẩu ở cụm dân cư Lạc Sanh đang đứng bên lề của sự phát triển. Kiến nghị cấp có thẩm quyền cần giải quyết căn cơ 3 điều cốt lõi để giúp họ hưởng những lợi ích chính đáng tối thiểu cần thiết như những công dân bình thường khác. Đó là, cấp số đỏ để họ yên tâm an cư lạc nghiệp thật sự, mặc dù họ đã sinh sống ở đây 40 năm. Cấp đất sản xuất cho họ vì họ đã khai hoang 85ha giao cho lâm trường, trong khi công nhân lâm trường đều được cấp đất rừng sản xuất. Đặc biệt là phải quan tâm giải quyết càng sớm càng tốt việc đưa lưới điện đến cho dân để họ thắp sáng sinh hoạt, để họ thấy thành quả xây dựng đất nước sau 43 năm giải phóng, họ cũng có phần như những công dân khác.

 

Điều cuối cùng, Chương trình Xã hội - Từ thiện Báo Phú Yên rất mong các tấm lòng hảo tâm tiếp sức cho 12 hộ dân nghèo ở cụm dân cư Lạc Sanh để họ bớt cơ cực, con cháu họ được học hành, chấm dứt nạn thất học triền miên 3 thế hệ. Rất mong trong tương lai rất gần, 12 hộ dân này là điểm sáng khu dân cư trong vòng tay yêu thương của cả cộng đồng.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek