Thứ Tư, 25/09/2024 12:18 CH
Ăn đũa hai đầu, nên chăng?
Thứ Năm, 16/11/2017 10:25 SA

Trong các buổi tiệc tùng, liên hoan, đám giỗ… ta thường gặp cảnh “chăm sóc” nhau rất thân tình: người nọ gắp thức ăn bỏ vào chén cho người kia.

 

Những đôi đũa được cắm trong ống so, phần đáy ống so thường đọng một lớp nước và dơ vì bụi bặm

Người nhận có khi vui vẻ vì được quan tâm, nhưng cũng có khi bực ra mặt vì gặp phải món không dùng được, nuốt không vô mà trả lại càng không được. Điều đáng nói là “người chăm sóc” này thường dùng ngay đôi đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người kia. Nguy cơ lây nhiễm là không tránh khỏi nếu người gắp mang mầm bệnh truyền nhiễm trong người. Có khi người gắp “linh hoạt” trở ngược đầu đôi đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác. Thấy thì có vẻ văn minh thật: vừa thể hiện được sự quan tâm của mình, vừa đảm bảo vệ sinh.

 

Tôi có ông chú là bộ đội thời “chín năm” chiến đấu ở chiến trường Liên khu Năm. Ông thường kể, hồi ấy trong đội và cả trong dân chính có lưu hành một hình thức ăn uống rất văn minh là ăn đũa hai đầu: Một đầu để lùa thức ăn cho vào miệng, còn đầu kia để xới cơm và gắp thức ăn. Nghĩa là, một đầu là của cá nhân và đầu kia là của tập thể, của “công cộng” vì ai cũng cho đầu đũa “công cộng” này vào nồi cơm chung hoặc dĩa thức ăn để gắp. Làm như vậy là không ai lây nhiễm bệnh của mình sang cho người khác. Trong bữa ăn, mọi người xoay xoay đôi đũa trông như múa, rất lạ mắt! Không hiểu vì lý do gì mà kiểu dùng đũa hai đầu này lại biến mất sau một thời gian lưu hành. Có lẽ vì qua những khó khăn của những năm đầu kháng chiến, sau này cuộc sống khá hơn nên anh nuôi các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ được cả đũa bếp (để xới cơm), muỗng (để múc canh)… nên cách dùng đũa hai đầu này tự nhiên mất đi.

 

Ấy vậy mà nay nó lại thỉnh thoảng xuất hiện trong các bữa tiệc và gây không ít phiền toái. Đầu tiên là nó gây khó chịu cho người nhận. Cho dù sự chăm sóc ân cần này là đáng quý thì việc có một món mình không thích ăn nằm trong chén cũng gây sự lúng túng, khó xử cho người nhận. Thứ hai, việc trở đầu đũa lại để gắp thức ăn cho người khác chưa hẳn đã là vệ sinh. Nếu quan tâm một chút ta sẽ thấy những đôi đũa được cắm vào ống so đũa bẩn như thế nào. Tôi đã có dịp quan sát một chị phục vụ ở quán phở rửa những đôi đũa khách vừa ăn xong cắm vào ống so đũa. Chị nhúng những đôi đũa trong thau nước dùng chung để rửa cả chén, tô, dĩa, đũa… Rửa xong, chị cắm phần để gắp ngược lên trên, phần không gắp xuống ống so. Nước từ những chiếc đũa từ từ chảy xuống đáy ống so và nằm ở đó. Lâu ngày, dưới đáy ống so đọng lại một lớp xỉ màu đen, chắc chắn là có mùi của dầu, mỡ và dơ vì bụi bặm. Thử tưởng tượng, cái đầu đũa ấy mà gắp thức ăn thì… ai dám bảo đảm đó là vệ sinh nhỉ?!

 

Sau những vụ lùm xùm về việc đũa sản xuất theo phương pháp công nghiệp dùng một lần bị tẩm, ướp hóa chất độc hại khiến người dùng e ngại, xa lánh, mọi người trở về với đôi đũa tre truyền thống hoặc đũa nhựa, đũa nhôm… Tuy nhiên, việc dùng thế nào để đảm bảo vệ sinh là việc rất cần được quan tâm. Vậy nên, trong các bữa tiệc, thức ăn đã bày sẵn trên bàn, hãy để mọi người tự chọn món mình ăn được mà gắp, mà múc, đừng thể hiện quá mức sự “văn minh” mà thực ra chẳng văn minh chút nào.

 

KIM LONG (phường 9, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek