Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết Phú Yên đang triển khai công trình nghiên cứu khoa học đánh giá toàn diện các tiềm năng khu vực núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa), qua đó đề xuất các giải pháp phát triển du lịch tại khu vực này.
Chóp Chài (tên chữ khác nhau là Nữu Sơn, Nựu Sơn, Quy Sơn, Liên Trì) là danh sơn, linh sơn, một trong những biểu tượng khí thiêng sông núi của Phú Yên. Núi Chóp Chài đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… Về mặt phong thủy, các thế hệ trước cũng hết lời ca ngợi thế long - quy của dãy Trường Sơn, sông Đà Rằng và núi Chóp Chài.
Chóp Chài nhìn hướng nào cũng có dáng một con rùa khổng lồ vươn mình ra biển. Khi người Pháp làm quốc lộ 1, họ vẫn giữ nguyên vẹn Cổ Rùa. Năm 1966, quân đội Mỹ đã dùng chất nổ phá Cổ Rùa để lấy đá mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng các công trình quân sự. Sau ngày giải phóng, đá ở khu vực Cổ Rùa tiếp tục bị khai thác để xây dựng các công trình giao thông. Mãi đến năm 2000, Bí thư Tỉnh ủy Thái Phụng Nê tiếp thu ý kiến dân, chỉ đạo kiên quyết dừng khai thác đá ở Cổ Rùa.
Còn Bàu Sen nằm ven chân núi Chóp Chài là long mạch của vùng Tuy Hòa. Bàu Sen rộng vài hecta giữa vùng cát trắng nhưng quanh năm không bao giờ cạn; cá, lươn, ốc… dưới bàu nhiều vô kể.
Bàu Sen gắn với địa danh Liên Trì (Liên là sen, Trì là ao, là bàu) xuất hiện từ thời mở đất năm 1611. Địa bạ Gia Long 1815 ghi chép đầy đủ về Liên Trì xã (xã Liên Trì thuộc Tổng thượng huyện Đồng Xuân, sau này là tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa). Nhưng những năm 1999-2000, khu vực Bàu Sen bị san lấp.
Việc tôn tạo núi Chóp Chài và khu vực dưới chân núi là cần thiết để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng trước hết, chính quyền cần khôi phục lại Cổ Rùa và Bàu Sen, hai cảnh quan có ý nghĩa tâm linh vô cùng thiêng liêng ở khu vực này để trả lại những giá trị nguyên vẹn cho núi Chóp Chài đã vô tình bị tàn phá.
VĂN KHÚC
(phường 9, TP Tuy Hòa)