Thứ Sáu, 27/12/2024 12:05 CH
Báo Phú Yên qua các tên gọi
Thứ Sáu, 19/08/2016 08:28 SA

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng) Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên chỉ đạo xuất bản đặc san chào mừng Quốc khánh 2/9 và đặc san “Mùa đông binh sĩ” động viên cán bộ chiến sĩ Nam tiến dừng chân trên đất Phú Yên. Đó là hai sản phẩm báo chí cách mạng đầu tiên của Phú Yên.

 

Nhà báo Tô Phương, nguyên Tổng Biên tập Báo Phú Yên viết lưu niệm - Ảnh: PV

 

Tháng 2/1946, nhà thơ Vĩnh Mai được Xứ ủy Trung Bộ điều động về làm Bí thư Thành ủy Huế. Nhà giáo Bùi Xuân Các, Trưởng Ty Kiểm duyệt trực kiêm Ban phát hành hàng ngày thuộc Sở Thông tin tuyên truyền Trung Bộ được cử về Phú Yên thay nhà thơ Vĩnh Mai. Nhà giáo Bùi Xuân Các trực tiếp chỉ đạo xuất bản Báo Chiến Thắng - tờ báo chính thức của Phú Yên sau Cách mạng Tháng Tám.

 

Sáu mươi năm qua, tờ báo chính thống của Phú Yên không ngừng phát triển lớn mạnh, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của hai cuộc chiến tranh.

 

Báo Phú Yên qua các thời kỳ đã có những tên gọi như sau:

 

1. Ngày 19/8/1946 xuất bản số Báo Chiến Thắng đầu tiên do nhà giáo Bùi Xuân Các làm chủ nhiệm. Cuối năm 1946, đồng chí Lê Văn Phú làm chủ nhiệm, đồng chí Đinh Nho Bát làm chủ bút.

 

Những ngày cuối năm 1946 là thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Tòa soạn phải di chuyển nhiều nơi, Báo Chiến Thắng tạm dừng một thời gian.

 

2. Đầu năm 1947, Báo Cứu Quốc Khu VI - cơ quan ngôn luận các tỉnh cực Nam Trung Bộ đảm nhiệm chức năng cơ quan ngôn luận của hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách.

 

3. Tháng 4/1947, Báo Cứu Quốc Khu VI được tách thành hai tờ báo riêng cho hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tờ báo của Khánh Hòa có tên là Báo Thắng. Tờ báo của Phú Yên có tên là Báo Phấn Đấu do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên trực tiếp chỉ đạo.

 

4. Năm 1948, nhà thơ Trần Mai Ninh được điều động về chiến trường Cực Nam và hy sinh anh dũng ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). Báo Phấn Đấu tạm nghỉ một thời gian để củng cố nhân sự.

 

Năm 1950, Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên xuất bản tờ Sức Mới (kế tục truyền thống các báo Chiến Thắng, Cứu Quốc Khu VI, Phấn Đấu) do đồng chí Nguyễn Chính, Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền phụ trách (1950-1952) và sau đó là đồng chí Nguyễn Tiết (Trưởng ty, thay đồng chí Nguyễn Chính) phụ trách.

 

Tờ Sức Mới hoạt động đến ngày đình chiến (tháng 7/1954).

 

Ngoài ra trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, trên địa bàn Phú Yên còn có các tờ báo:

 

+ Tờ Hồn Trẻ, Sáng Tác Nông Thôn của Phân hội Văn nghệ Phú Yên do nhà văn Ngô Tịnh Hà (em ruột nhà thơ Xuân Diệu) phụ trách.

 

+ Tờ Chí Trai của Liên Trung đoàn 80-83.

 

+ Tờ Công Đoàn của Liên hiệp Công đoàn tỉnh.

 

+ Tờ Công Lý của Tòa án nhân dân tỉnh.

 

+ Tờ Cảnh Vệ của Công an tỉnh

 

+ Tờ Trẻ của Đoàn thanh niên Cứu quốc tỉnh.

 

5. Năm 1956-1960, Tỉnh ủy Phú Yên xuất bản tờ Đoàn Kết trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam nhằm góp phần giữ vững niềm tin cho cán bộ, nhân dân. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Đinh Từ (Tám Tuyến) phụ trách tờ báo. Tờ báo phát hành đến các chi bộ bí mật hợp pháp trong vùng địch kiểm soát.

 

6. Sau khi có Nghị quyết 15 và thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, để phù hợp với tình hình mới, Báo Đoàn Kết được đổi tên thành Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Phú Yên, do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, Trưởng Ban Tuyên huấn trực tiếp phụ trách tờ báo. Từ 1961-1967, Báo Giải Phóng do đồng chí Lương Thúc Mậu, Trưởng Ban Tuyên huấn, phụ trách. Từ 1967-1972, đồng chí Cao Văn Hoạch, Phó Trưởng Ban trực Ban Tuyên huấn, phụ trách. Từ 1972 đến ngày giải phóng, các đồng chí Nguyễn Duy Luân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, phụ trách (1972), sau đó là đồng chí Phạm Hồng Quang, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy năm 1973, phụ trách. Trực tiếp chăm lo tờ báo là các đồng chí Mai Văn Minh, Nguyễn Phùng (Phó Trưởng Ban Tuyên huấn).

 

Sau ngày giải phóng đến khi sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh (1/4/1975-3/11/1975), Báo Giải Phóng được đổi tên thành Báo Phú Yên Giải Phóng; đồng chí Nguyễn Phùng, Trưởng Ty Thông tin văn hóa Phú Yên, trực tiếp phụ trách tờ báo.

 

Từ ngày 3/11/1975-30/4/1989, Báo Phú Khánh - cơ quan ngôn luận Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Khánh, là cơ quan ngôn luận chính thống của tỉnh chung Phú Khánh. Các đồng chí Nguyễn Chính (3/11/1975-31/12/1975), Trần Chí (1/1976-8/1976), Cung Giũ Phú (9/1976-1/1983), Nguyễn Ngọc (1/1983-10/1986), Tô Phương (10/1986-6/1989) lần lượt đảm nhận trách nhiệm Tổng Biên tập tờ báo.

 

Từ ngày 1/7/1989 đến nay, Báo Phú Yên được tái lập. Từ tháng 6/1989 đến 12/1997 quy mô 2 kỳ tuần. Tháng 7/1994 xuất bản thường kỳ tập san Phú Yên cuối tháng. Tháng 1/1998 xuất bản tăng kỳ số Phú Yên chủ nhật (dung lượng gấp rưỡi). Sau đó đổi tên thành Phú Yên cuối tuần. Từ ngày 1/8/2001 tăng 1 kỳ báo thời sự và 1/4/2005 đổi khổ tờ báo thành khổ 28x42cm đồng thời tăng lên 12 trang. Đầu năm 2006, đưa Trang thông tin điện tử tổng hợp Phú Yên Online vào hoạt động. Ngày 29/12/2010 ra mắt Trang tin tiếng Anh PhuYen News. Đồng chí Tô Phương (6/1989-6/1998), đồng chí Phạm Ngọc Phi (6/1998-4/2013) làm Tổng Biên tập. Từ tháng 4/2013 đến nay, đồng chí Phạm Thanh Phong, Tỉnh ủy viên, làm Tổng Biên tập.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek