Thứ Bảy, 28/09/2024 18:26 CH
Ưu đãi phát triển nguyên liệu gỗ rừng trồng
Thứ Năm, 14/07/2016 10:56 SA

Tiếp tục thông tin về chính sách phát triển kinh tế rừng của tỉnh, Báo Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc bài viết về hiệu quả ưu đãi phát triển nguyên liệu gỗ rừng trồng.

 

Trồng rừng kinh tế ở Phú Yên bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với quy mô lớn được triển khai từ năm 1989 và bắt đầu cho khai thác từ năm 2011 đến nay, chủ yếu là keo lá tràm các loại. Tuy là tỉnh có thế mạnh về kinh tế rừng, nhưng mãi đến năm 2011, Phú Yên vẫn chưa hình thành được ngành công nghiệp chế biến tinh chế gỗ theo hướng hiện đại. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn phát triển bền vững, năm 2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định 1658 quy định một số chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ tròn là keo các loại, khi khai thác tỉa thưa từ rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh.

 

Quyết định 1658 của UBND tỉnh đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả tốt, là “bà đỡ” về chính sách để hình thành ngành công nghiệp chế biến tinh chế gỗ non trẻ của tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả. Chính sách ưu đãi này đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm sau chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và tạo sức cạnh tranh trên thị trường; tạo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương, nhất là giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rừng trồng; tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương (nếu không có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh, nguồn gỗ này bán ra ngoài tỉnh sẽ thất thu 10% thuế trên giá trị sản phẩm sau khi chế biến).

 

Chính sách ưu đãi của tỉnh về nguyên liệu gỗ tròn là keo các loại dành cho các đơn vị sản xuất tinh chế gỗ đã tạo hiệu quả tổng hợp toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa và cả quốc phòng - an ninh, tạo ra dòng sản phẩm gỗ tinh chế có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu trong thời đại đổi mới và hội nhập với tính cạnh tranh cao.

 

Nguyên tắc nêu tại Điều 2 của quy định này rất công khai, rõ ràng, minh bạch, chỉ dành cho các đơn vị tinh chế gỗ có nguồn gỗ tròn từ rừng trồng phải đưa vào chế biến tinh chế 100% tại xưởng, nhà máy chế biến của đơn vị đã đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đầu tư tối thiểu một trong các loại công nghiệp sản xuất ván ghép, chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh, hàng mộc cao cấp và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

 

Theo quy định của tỉnh, sản phẩm ván ghép là từ những mẫu gỗ nhỏ ghép thành các thanh và từ những thanh ghép, ghép thành tấm ván hoặc thanh gỗ khác. Chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh là những bộ phận đã qua chà nhám, chỉ còn trang trí bề mặt bằng các chất liệu khác và sau đó chỉ còn lắp ráp với sản phẩm mộc hoàn chỉnh. Sản phẩm hàng mộc gia dụng cao cấp là sản phẩm bàn ghế, giường, tủ, khay, kệ… mà người tiêu dùng mua về là sử dụng được ngay. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là các sản phẩm gỗ hoàn chỉnh được sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc thủ công kết hợp máy được hoàn thiện bằng công nghệ đục, chạm, trổ, khắc, khảm, tiện, đã trang trí bề mặt ít nhất từ đánh nhám trở lên.

 

Chính sách ưu đãi này đã triệt tiêu tình hình tranh mua không lành mạnh, nguồn nguyên liệu không bán ra ngoài tỉnh, đã góp phần thu ngân sách nhà nước từ thuế 10% giá trị sản phẩm gỗ sau tinh chế. Chính sách này đã đi vào cuộc sống được 5 năm (2011-2016), góp phần hình thành ngành chế biến tinh chế gỗ Phú Yên hiện đại. Theo Sở NN-PTNT, nhờ chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ rừng trồng của UBND tỉnh, trong 5 năm qua, Phú Yên có 7 doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến tinh chế gỗ với thiết bị hiện đại đồng bộ. Công ty CP Trường Thành Xanh, DNTN Bảo Châu, Công ty Đặng Gia Nghĩa, Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm, Công ty Phúc Quang Khang, Công ty TNHH Lâm Bình Phú, Công ty TNHH Hoàng Sơn là những doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ ở Phú Yên đủ điều kiện ưu đãi theo Quy định 1658 của tỉnh. Các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho các thiết bị hiện đại phục vụ tinh chế gỗ, như: máy cắt phôi, máy cưa, máy bào hai mặt, máy bào thẩm, máy đánh mộng, máy ghép gỗ, máy bào 3 mặt, máy cắt tinh, máy khoan 6 đầu, máy đục vuông, máy chà bo 2 trục, máy nhám thùng, máy mài hợp kim, hệ thống lò sấy điện… Với các thiết bị hiện đại này, mỗi cơ sở chế biến gỗ nêu trên có khả năng cưa xẻ 500m3/tháng, sấy 300m3/tháng, tạo sản phẩm hoàn chỉnh từ 40-60m3 thành phẩm/tháng…

 

Có thể nói, những cơ sở chế biến tinh chế gỗ hiện đại trên địa bàn tỉnh đã hình thành vóc dáng vững chắc của ngành công nghiệp chế biến tinh chế gỗ, đủ sức cạnh tranh sản phẩm gỗ có xuất xứ từ rừng trồng mang thương hiệu Phú Yên.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek