Thứ Bảy, 28/09/2024 18:23 CH
Chính sách đầu tư trồng rừng kinh tế đang đi vào cuộc sống
Thứ Hai, 11/07/2016 09:36 SA

Chế biến gỗ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nhưng nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên trong nước chỉ đáp ứng 10% nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ngành chế biến gỗ phải nhập phần lớn nguyên liệu nên giá trị kinh tế không cao, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh. Trước thực trạng này, trồng rừng để tạo vùng nguyên liệu là phương thức duy nhất để phát triển kinh tế rừng bền vững.

 

Ông Trần Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) tài trợ kinh phí giúp xã nghèo Sơn Long, huyện Sơn Hòa, bê tông hóa giao thông nông thôn - Ảnh: PV

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ra lệnh đóng toàn bộ các cửa rừng tự nhiên trên cả nước, kể cả rừng nghèo kiệt. Phú Yên có 3/4 diện tích rừng và đất rừng, trong đó có nhiều diện tích đất trống đồi trọc cần được phủ xanh bằng rừng trồng, khai thác hợp lý để phát triển bền vững.

 

Từ sau ngày tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi đầu tư vào các dự án trồng rừng. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều rừng trồng ở khu vực đèo Cả và một số nơi trong tỉnh đã đem lại hiệu quả tốt. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 dự án trồng rừng của 10 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.168 tỉ đồng, tổng diện tích gần 41.968ha. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng vốn thực hiện tính đến tháng 6/2016 khoảng 458 tỉ đồng, diện tích rừng trồng chỉ 10.225ha. Tuy chỉ đạt 25% kế hoạch nhưng chính sách đầu tư và khai thác trồng rừng kinh tế của Phú Yên đã đi vào cuộc sống.

 

Trong những năm qua, toàn tỉnh có các doanh nghiệp thực hiện các dự án trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh: DNTN Bảo Châu, Công ty TNHH Bình Nam, Công ty CP Trường Thành Xanh, Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Nam Long, Công ty TNHH Trang Lâm, Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm, Công ty TNHH Loan Thu, Công ty TNHH Cây Xanh…

 

Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán về thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất trồng rừng đối với các dự án trồng rừng kinh tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Ngày 4/2/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Quyết định 501-QĐ/TƯ thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng rừng đối với các dự án đầu tư trồng rừng kinh tế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/4/2016, Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh có báo cáo về kết quả kiểm tra. Bên cạnh một số khó khăn, báo cáo đã đánh giá cao những mặt thuận lợi của việc triển khai các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

 

Trước hết về chủ trương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1819/QĐ-UBND ngày 2/11/2011 phê duyệt quy hoạch và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 và Quyết định 107/QĐ-UB ngày 20/1/2014 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1819/QĐ-UBND. Các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở ủng hộ chủ trương trồng rừng, tạo điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng có hiệu quả. Công tác khảo sát, điều tra thực địa, chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng nên cây trồng sinh trưởng tốt, bảo đảm độ che phủ, phát triển bền vững. Các vùng quy hoạch trồng rừng gắn với trục đường liên thôn, liên xã thuận lợi giao thông, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật nên triển khai khá tốt. Mặt khác giá trị gỗ rừng trồng, có hiệu quả kinh tế; kích thích các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.

 

Về lĩnh vực chế biến tinh chế gỗ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1658/2011 ban hành quy định một số chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ tròn khi khai thác, tỉa thưa rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh.

 

Chính sách ưu đãi nguyên liệu của UBND tỉnh đối với các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn là “bà đỡ” để hình thành các cơ sở chế biến tinh chế gỗ thành phẩm, tạo hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiện nay, trong toàn tỉnh có nhiều cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 7 cơ sở được đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ để chế biến tinh chế gỗ thành phẩm. Đó là Công ty Sản xuất Thương mại Bảo Châu, Công ty CP Trường Thành Xanh, Công ty Đặng Gia Nghĩa, Công ty Phúc Quang Khang, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lâm Bình Phú. Chính sách đó của UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực, hình thành nền công nghiệp biến gỗ hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Trong các đơn vị kinh tế tham gia trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng, DNTN Bảo Châu có 3 dự án trồng rừng hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, xây dựng vùng nguyên liệu hơn 200ha ở huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu.

 

Cùng với việc trồng 2.000ha rừng nguyên liệu sắp đến tuổi khai thác, doanh nghiệp này còn đi đầu trong hội nhập bằng việc dồn sức trồng rừng theo kiểu cuốn chiếu, chuẩn bị cho hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ.

 

Doanh nghiệp đã đầu tư hai nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại KCN An Phú và KCN Đông Bắc Sông Cầu.

 

Về vấn đề thị trường đầu ra của sản phẩm, Giám đốc DNTN Bảo Châu Trần Đăng Khoa đã làm việc với nhiều đối tác trên thế giới và nhận được sự ủng hộ, liên kết trong làm ăn. Các thị trường Nhật và châu Âu rất khó tính, đối tác đòi hỏi sản phẩm không chỉ có chất lượng cao mà còn bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp. Doanh nghiệp này cùng các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn muốn đứng vững trong thời hội nhập thì phải chủ động nguồn nguyên liệu và phương thức sản xuất hiện đại theo quy trình khép kín thì mới có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng.

 

Các doanh nghiệp tham gia trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương trong vùng nguyên liệu, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống một cách bền vững. Trong bối cảnh rừng tự nhiên đã đóng cửa 100% thì trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, khai thác chế biến gỗ rừng trồng là hướng đi phù hợp của một tỉnh như Phú Yên khi có 3/4 diện tích đất rừng. Lợi ích của trồng rừng và khai thác kinh tế rừng trồng có ý nghĩa lớn về kinh tế, đời sống, đảm bảo môi sinh, môi trường và cả an ninh quốc phòng để phát triển bền vững.

 

Phú Yên chưa có cảng biển phục vụ xuất khẩu gỗ nhưng có doanh nghiệp vẫn tạo được yếu tố cạnh tranh để phát triển bền vững. Chính sách phát triển kinh tế rừng trồng của tỉnh đã phát huy hiệu quả trong công cuộc đổi mới và hội nhập của quê hương Phú Yên.

 

Ngoài phát triển kinh tế rừng, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện. Màu xanh rừng trồng Phú Yên đã và đang ngày một trải rộng, kinh tế rừng đã bắt đầu cất cánh.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek