Có 7 lĩnh vực thuộc về nhu cầu phát triển của trẻ em, gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, không lao động sớm, vui chơi giải trí và bảo trợ xã hội. Trẻ em không đảm bảo được ít nhất 2 trong 7 nhu cầu trên được gọi là trẻ em nghèo. Và một trong những cách giảm nghèo hiệu quả đó là đầu tư cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đầu tư cho trẻ em để giảm nghèo bền vững - Ảnh: K.CHI
Phải khẳng định rằng, trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Phú Yên đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ về xóa đói giảm nghèo, trong đó có trẻem. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng ở những vùng khó khăn được tăng cường, đời sống của đại đa số người dân được cải thiện, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻem và phụ nữ. Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 16,06% năm 2006 xuống còn 9% năm 2010 (theo chuẩn cũ) và hiện nay là gần 16% (theo chuẩn mới). Dịch vụ y tế và giáo dục có bước phát triển khá so với các tỉnh trong khu vực. Hầu hết xã, phường có trạm y tế, bình quân 6,7 bác sĩ/10.000 dân. Về giáo dục, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi 98,1%; Phú Yên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS từ năm 2009 .
Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, đạt kết quả thiết thực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo không chỉ góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn củng cố lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tuy nhiên, người dân ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực này vẫn cao. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng của đói nghèo nhiều nhất chính là trẻ em. Theo Sở LĐ-TB-XH, trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em nông thôn vẫn còn nhiều thiệt thòi. Toàn tỉnh còn 13.850 trẻ em sống trong các hộ nghèo vùng nông thôn chưa tiếp cận đầy đủ tới các nhóm dịch vụ xã hội và phúc lợi dành cho trẻ em, đó là nghèo về dinh dưỡng, nghèo về chăm sóc sức khỏe, nghèo về nhà ở, nghèo về vui chơi giải trí… (chưa tiếp cận được sự trợ cấp trợ giúp của nhà nước và cộng đồng).
Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Là một huyện miền núi, có tỉ lệ hộ nghèo còn trên 50%, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn gặp nhiều khó khăn, trẻ em Đồng Xuân chưa được vui chơi, học tập và hưởng thụ các điều kiện chăm sóc của xã hội như những nơi khác. Toàn huyện còn hơn 400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu là trẻ em trong những hộ gia đình nghèo, bị tàn tật, mồ côi… Chính vì thế, khi có cơ hội tiếp nhận nguồn lực nào, huyện đều tập trung chăm lo cho trẻ em, kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ để trẻ em nghèo được có cơ hội phát triển bình đẳng như các bạn đồng trang lứa khác.
Thời gian qua, đã có nhiều tấm lòng hảo tâm, đơn vị, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập, tìm cách thoát khỏi cuộc sống nghèo. Tuy nhiên, không thể giúp trẻ thoát nghèo bền vững chỉ bằng cách tặng nhà, tặng phương tiện sống... Ông Võ Văn Binh cho biết: cách xóa nghèo bền vững là cần có sự đầu tư, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, phổ cập giáo dục THCS và huy động trẻ em đến trường, tạo công bằng trong tiếp cận các cơ sở giáo dục công lập, chăm sóc y tế, dinh dưỡng và bảo hiểm y tế cho trẻ em, các dịch vụ nhà ở; đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻem nghèo, trẻem dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần ưu tiên, tăng đầu tư ngân sách cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, trẻ em các gia đình chính sách, hộ nghèo… để chất lượng cuộc sống của trẻ em ngày càng được tốt hơn.
KIM CHI