Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hàng năm trên thế giới có 5,4 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá. Mới đây nhất, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (Luật PCTHTL) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, khi Luật PCTHTL có hiệu lực, vẫn chưa có sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của nhiều người. Người hút thuốc lá vẫn chưa giảm; mặt hàng thuốc lá vẫn tiêu thụ đều đều.
BÀI 1: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có đi vào đời sống?
Sau gần một tháng kể từ ngày Luật PCTHTL có hiệu lực (1/5/2013), chúng tôi đã có cuộc thị sát ở một số “điểm nóng” để ghi nhận tình hình. Thế nhưng điều đáng buồn là không nhiều người biết và chấp hành, trong khi có người biết luật, biết tác hại của thuốc lá nhưng hút cứ hút, bán cứ bán. Khói thuốc vẫn vô tư xả ra môi trường và hít vào cơ thể.
Lực lượng QLTT Phú Yên kiểm tra các sạp bán thuốc lá ở chợ Tuy Hòa - Ảnh: Q.MAI
BIẾT CẤM NHƯNG VẪN... VÔ TƯ NHẢ KHÓI
Dạo quanh một vòng TP Tuy Hòa, tại nhiều địa điểm công cộng như bến xe, nhà ga, quán ăn, quán cà phê… và ngay cả trên đường phố, tình trạng người dân hút thuốc lá vẫn nhan nhản. Đặc biệt là ở các quán nhậu, khói thuốc lá quyện đặc cùng với hơi của thức ăn. Những thực khách vẫn cứ mặc nhiên nhả khói, xung quanh họ bàn nào cũng có người hút thuốc lá. Chẳng ai phải ngần ngại vì sự có mặt của phụ nữ hay trẻ em. Tại một quán nhậu đường Bạch Đằng, tôi hỏi người bàn kế bên: Có biết luật cấm hút thuốc lá không? Anh chàng tỉnh bơ: “Làm gì có cấm, cấm sao vẫn bán, chỉ có hạn chế thôi. Nhưng ông đừng có chụp hình lên báo nhen”. Rồi anh ta quay lưng, miễn bàn chuyện thuốc lá. Ở những bàn kế tiếp, khi thấy sự hiện diện của ống kính, họ lặng lẽ dụi tàn, quay mặt.
Buổi sáng, đến bất cứ quán cà phê nào cũng không khó để bắt gặp hình ảnh tàn thuốc lá phì phèo trên môi. Ở đây có vô số đối tượng, từ người dân, sinh viên, doanh nhân cho đến cán bộ, công chức... cũng có người hút thuốc lá. Phổ biến là vậy, nhưng khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp hình thì tất cả đều quẳng tàn thuốc và nhìn với ánh mắt không thiện cảm... Điều này cho thấy, nhiều người vẫn ý thức được tác hại của thuốc lá; biết hút thuốc lá ở nơi công cộng là vi phạm nhưng họ vẫn hút vì đó đã là một thói quen.
Ngay ở những nơi “cấm tiệt” thuốc lá như bệnh viện, có bảng cấm hút thuốc hẳn hoi nhưng có không ít người vẫn vô tư phì phèo. Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vào một buổi sáng. Người bệnh đến khám rất đông. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp cảnh những người đàn ông trong lúc chờ người nhà khám bệnh vẫn vô tư vắt vẻo điếu thuốc trên môi. Anh Nguyễn Tấn Loan (xã Hòa Vinh, Đông Hòa), khi được hỏi thì nói: “Tôi thấy có ai đứng đây phạt đâu”. Mặc dù trước mặt anh là tấm bảng: “Không hút thuốc lá” được treo ngay lối vào khu khám bệnh. Qua quan sát thực tế cho thấy, tại hầu hết các khoa, phòng của các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, đều có bảng thông báo cấm hút thuốc, nhưng nhiều người dân vẫn… vô tư nhả khỏi. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh, các người nhà bệnh nhân, thậm chí cả bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số liên tục thay điếu thuốc trên tay. Bác sĩ Đỗ Văn Hòa, Giám đốc bệnh viện này cho biết: “Về nhân viên bệnh viện thì chúng tôi quán triệt được, nhưng người dân thì rất khó. Chúng tôi cũng treo bảng cấm hút thuốc nhưng họ không thực hiện. Thật khó để vận động đồng bào dân tộc từ bỏ thói quen này.
Không chỉ người trưởng thành, học sinh dưới 18 tuổi, đối tượng bị cấm mua, hút thuốc lá nhưng không ít em cũng “hít hà” ngay sau khi bước ra khỏi cổng trường. Ở các quán cà phê, điểm giải khát gần các trường phổ thông, nhiều học sinh nam tụm 3, tụm 5 phì phèo khói thuốc. Các em xem hút thuốc lá như một thú vui, thú tiêu khiển. Em Trần Văn Vinh, học sinh một trường THPT tại TP Tuy Hòa, cho biết: “Em chưa nghe Luật PCTHTL. Em mới bị bạn bè lôi kéo hút thuốc cách đây ba tháng. Lúc đầu em không chịu được mùi khói thuốc nhưng nhìn các bạn hút hay hay, em tò mò muốn biết cảm giác hút thuốc lá như thế nào. Cứ mỗi ngày em đốt vài điếu, thế rồi thành ra nghiện”. Vinh cho biết thêm, tại trường em học và các trường khác, không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên cũng có thói quen hút thuốc.
Quán cà phê là “môi trường” hút thuốc lá - Ảnh: Q.MAI
VÔ TƯ BUÔN BÁN
Điều 25 của Luật PCTHTL quy định, các đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, và phải treo bảng thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không được bán thuốc lá ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100m từ ranh giới khuôn viên gần nhất… Nhưng thực tế cho thấy tại rất nhiều điểm bán lẻ trên các tuyến đường nội thành ở TP Tuy Hòa, các huyện, thị xã, ở khắp các hẻm phố, đường quê thuốc lá vẫn bày bán tràn lan như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Thậm chí, nhiều điểm bán lẻ “đóng quân” ngay bên cạnh cổng trường học, bệnh viện… Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, chủ một đại lý bán lẻ thuốc lá, phân trần: “Cũng không thấy ai nhắc nhở, hướng dẫn không được bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi, nên chúng tôi không biết điều này vi phạm luật”. Còn bà Lê Thị Hồng (thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh) cho rằng: “Chúng tôi buôn bán nhỏ để mưu sinh. Tôi thấy các nơi khác vẫn bày bán thì mình vẫn bán. Ai mua thì tôi đều bán. Thấy trẻ nhỏ đến mua thuốc lá nói là mua cho bố nên tôi sẵn sàng phục vụ”.
Tại các sạp bán buôn, bán lẻ thuốc lá ở chợ Tuy Hòa, không khí buôn bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, trong đó có cả tình trạng buôn bán thuốc lá giả, ngoại, nhập lậu; vi phạm tem, nhãn mác…. Vậy nhưng trong một lần kiểm tra công khai do đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 TP Tuy Hòa tiến hành mới đây, thì không có hộ kinh doanh nào vi phạm. Nhưng theo những người trong ngành thì các hộ kinh doanh thuốc lá rất tinh vi trong việc che mắt lực lượng chức năng, thậm chí chống đối khi kiểm tra phát hiện. Tại các quầy kinh doanh, họ không bao giờ bày thuốc lá nhập ngoại công khai mà giấu ở nơi kín đáo, khi khách hàng có nhu cầu thì mới đưa ra bán. Mua bao nhiêu cũng có. Theo Chi cục QLTT tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 901 cơ sở kinh doanh, mua bán thuốc lá. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ 275 gói thuốc lá ngoại. Ông Phạm Đình Thi xác nhận: Tình trạng kinh doanh, mua bán thuốc lá ngoại, nhập lậu, không tem… của các tiểu thương hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn diễn ra. Mặc dù lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn các chủ điểm này thực hiện cam kết không kinh doanh thuốc lá ngoại, nhập lậu…
Những địa điểm cấm hút thuốc lá Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện (Điều 11 Luật PCTHTL). Những địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, gồm: khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy, tàu hỏa. Các nơi dành riêng cho người hút thuốc lá này phải bảo đảm có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy (Điều 12 Luật PCTHTL). |
Nhóm PV VH-XH