Nhìn thanh niên trong buôn Lé A, xã Krông Pa (Sơn Hòa) tập đánh cồng chiêng sau một ngày lao động vất vả, ông Rơ Y Bút (tên thường gọi Ma Thân) cười mãn nguyện: “Cuối cùng thì lớp trẻ vẫn không quên nguồn cội. Mình ưng cái bụng lắm! Sau này, Giàng có bắt mình về thì ngày lễ hội của buôn làng cũng không vắng tiếng cồng chiêng”.
Ma Thân đang “luyện” cồng chiêng để truyền dạy cho trai tráng trong thôn - Ảnh: Q.HÙNG
CỒNG CHIÊNG LÀ CUỘC SỐNG
Dưới ánh lửa bập bùng trong nhà văn hóa thôn, ông Ma Thân cho biết: Đối với người Ê đê, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ để giải trí, mà còn được xem là văn hóa, là cuộc sống của buôn làng. Mỗi mùa lễ hội đến, thanh niên, phụ nữ trong buôn tập hợp đông đảo cùng uống rượu cần, nhảy điệu a-ráp trong tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn. Thế nhưng, cách đây gần chục năm, do đời sống khó khăn, nhiều đồng bào đã bán cồng chiêng đổi lấy gạo, muối để lo liệu cái ăn. Cuộc sống nhiều vất vả, người dân cũng không mấy chú tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lễ hội của đồng bào dần vắng tiếng cồng chiêng.
Sợ văn hóa của đồng bào mình dần mai một và cũng không đành lòng để người trẻ xa rời nguồn cội, Ma Thân nghĩ đến việc tập hợp thanh niên trong buôn đến nhà, truyền dạy về đánh cồng chiêng. “Lúc đầu, việc này gặp rất nhiều khó khăn vì mấy đứa suốt ngày đi rừng, đi rẫy, tối đến lại tụ tập hát hò, xem tivi chứ không mặn mà với văn hóa dân tộc. Nhiều đứa còn nói nếu già làm cho gia đình tui no cái bụng thì tui sẽ học đánh cồng chiêng”, Ma Thân kể. Không nản chí, hàng ngày, ông đi khắp buôn, gặp các già làng, người có uy tín vận động họ thuyết phục lớp trẻ học đánh cồng chiêng. Rồi Ma Thân chỉ dạy cho con cháu trong nhà để làm gương. Tiếng cồng, tiếng chiêng cứ đêm đêm lại vang lên bên bếp lửa nhà ông, khơi gợi, thúc giục thanh niên trong buôn tìm đến cùng tham gia. Anh Rơ Nhi, một trong những người đầu tiên xin học đánh cồng chiêng chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, mình vẫn thường cùng ông bà dự lễ hội của buôn làng. Lúc đó, thanh niên ai ai cũng biết đánh cồng chiêng, mới nghe là đã thấy thích rồi. Lớn lên, mình cũng muốn theo học nhưng vì cái bụng của mấy đứa con còn đói nên phải lên rẫy chăn bò, cuốc cỏ mía, kiếm tiền lo cho gia đình, không còn thời gian nữa. Nay nghe Ma Thân mở lớp dạy, mình tranh thủ xong việc nhà là đến đây ngay. Mình biết đánh rồi, sau này sẽ dạy lại cho con cho cháu. Đã là người Ê đê thì phải biết đánh cồng đánh chiêng!”
KHÔNG ĐỂ MẤT NGUỒN CỘI
Lớp học cồng chiêng của Ma Thân ngày càng thu hút đông đảo thanh niên tới tham gia. Khi thấy nhiều người đã biết đánh, ông nảy ra ý tưởng thành lập một đội cồng chiêng của buôn. Vậy là năm 2007, đội cồng chiêng buôn Lé A ra đời. Ông còn dày công sưu tầm nhiều điệu múa, những cách đánh cồng chiêng truyền thống, dàn dựng những tiết mục hay rồi chỉ dạy lại cho trai tráng. Nhiều năm qua, đội cồng chiêng buôn Lé A luôn giành được giải cao khi tham dự ngày hội văn hóa các dân tộc do địa phương tổ chức.
Tại buôn Lé A, tiếng cồng chiêng không chỉ vang lên trong mùa lễ hội mà vào những đêm trăng sáng, Ma Thân cũng tập hợp thanh niên đến nhà văn hóa chơi cồng chiêng. Khi đó, trai gái trong buôn kết vòng tròn náo nức trong khúc biến tấu của cồng chiêng cùng nhảy điệu a-ráp rộn ràng. Ma Thân tâm sự: “Mình nghĩ ai trong hoàn cảnh của mình cũng sẽ làm như vậy thôi; không thể để lớp trẻ lớn lên mà không hiểu gì về nguồn cội. Trước kia, cha chú đã dạy mình về cồng chiêng, nay mình dạy lại cho thanh niên trong buôn cũng là chuyện nên làm. Những người lớn tuổi như mình không dạy lớp trẻ trong buôn biết chơi cồng chiêng, biết giữ gìn văn hóa dân tộc là có tội với tổ tiên”.
Ông La Chí Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Krông Pa nhận xét: Ma Thân là một người nhiệt tình và có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Ê đê. Hiện ông là một trong số ít người còn lại ở xã biết cách đánh nhuần nhuyễn các loại cồng chiêng. Nhờ có Ma Thân, văn hóa cồng chiêng của đồng bào Ê đê được gìn giữ và lưu truyền, giúp người trẻ thêm tự hào về quê hương, nguồn cội, biết đoàn kết để xây dựng buôn làng giàu đẹp.
QUỐC HÙNG