Cùng với việc bảo hiểm y tế ngày càng có nhiều chính sách quan tâm tới bệnh nhân nghèo như miễn giảm những khoản chi lớn trong phẫu thuật, chạy thận nhân tạo… ở một số bệnh viện, còn có hoạt động thiện nguyện tự phát từ một số tổ chức, cá nhân, chia sẻ khó khăn bằng việc cung cấp thức ăn, cho máu và những trợ giúp khác.
Mỗi ngày, Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp từ 200-250 suất ăn cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: M.TUẤN
Thực tế ở Phú Yên hiện chưa có một bệnh viện nào có hẳn một tổ chức gọi là nghề công tác xã hội, nhưng hơn 10 năm nay đã có những hoạt động tự phát của một nhóm người giúp bệnh nhân chén cháo, bát cơm...
Đầu tiên, năm 2002 Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa hoạt động, cung cấp suất cơm trưa và chiều cho bệnh nhân nghèo. Tiếp đó, cuối năm 2003, các nữ tu áo lam Tu viện Thánh Phaolô cũng làm công việc cảm động này. Theo các sơ, qua vài lần đi thăm bệnh tại đây, thấy cảnh nhiều người nghèo không có tiền mua thực phẩm cho bữa sáng dù chỉ 1.000-2.000 đồng, nên họ trăn trở. Thấy bếp ăn từ thiện tại bệnh viện chỉ phục vụ hai buổi, họ đã mạnh dạn đề xuất với ban giám đốc bệnh viện được cấp cháo buổi sáng. Vậy là ngay sau ngày ký cam kết (8/11/2003), họ bắt tay vào thực hiện ý nguyện. Có được chén cháo thơm ngon, bổ dưỡng cho người bệnh, bao nhiêu đất trong vườn, họ tăng cường trồng rau, nuôi heo, làm mắm, rượu trái cây… để bán kiếm tiền và để có được thành phẩm phục vụ cho bệnh nhân, các sơ phải cặm cụi nấu cháo từ 4g sáng mỗi ngày. Có người cảm kích trước việc làm cao cả của các sơ, đã gởi vài trăm ngàn đồng đóng góp vào quỹ từ thiện đó. Hơn 9 năm qua, hàng ngàn bệnh nhân được chăm sóc từ tấm lòng hảo tâm của họ. Hiện nay, mỗi sáng các nữ tu này vẫn đều đều đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phát 120-150 suất cháo.
Những năm gần đây, chương trình cấp phát suất ăn cho bệnh nhân nghèo được mở rộng ở một số bệnh viện. Bà Võ Thị Minh Trang, điều hành Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Khi mới thành lập, bếp chỉ phục vụ mỗi ngày 50 suất, sau đó, nhờ vận động, quỹ từ thiện của bếp đã không ngừng lớn mạnh, hàng ngày cung cấp từ 200-250 suất ăn theo chế độ của người bệnh. Ngoài ra, bếp ăn còn xây dựng được “quỹ cấp cứu” cho bệnh nhân nghèo và hỗ trợ kinh phí cho một nhóm người hay khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Hòa, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên để cung cấp thức ăn cho bệnh nhân.
Gần 3 năm nay, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, vào sáng thứ tư hàng tuần, bệnh nhân được cấp cháo dinh dưỡng. Các chị, các anh ở nhóm thiện nguyện đang cố gắng nâng cao số ngày trong tuần để chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân nghèo. Bà Ngô Thị Xuân Hương ở thị trấn La Hai (Đồng Xuân), bộc bạch: “Mình bỏ công góp của cũng không sao duy trì được lâu, thế là đi vận động từ những tiểu thương ở chợ La Hai, những người giáo chức về hưu và những doanh nghiệp… Quỹ của nhóm gửi ngân hàng đã được 25 triệu đồng. Từ 60 suất cháo mỗi ngày trước đây, hiện nay chúng tôi đã cấp 80-100 suất”. Ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, tùy vào số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nằm viện mà nhóm từ thiện hỗ trợ để Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện nấu. Còn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa, các chị hỗ trợ tiền cho sư cô Trung ở xã Hòa Định Tây nấu cơm chay rồi mang đến khoảng 200 suất mỗi ngày (4 ngày/tháng).
Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa cũng được những nhà hảo tâm tổ chức nấu ăn tại chỗ, cấp phát cho bệnh nhân hơn hai năm nay. Các đạo hữu ở Chùa Linh Sơn (xã Sơn Nguyên) thực hiện hoạt động này giúp bệnh nhân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi ngày họ nấu 160 suất (sáng 80 suất và trưa 80 suất) vào thứ ba hàng tuần. Mới đây, các đạo hữu Chùa Thành Hội ở xã Sơn Hà cũng đặt vấn đề sẽ cấp suất ăn sáng cho bệnh nhân vào thứ năm mỗi tuần, nhưng Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa mong muốn họ cấp luôn suất ăn trưa.
Bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, cho biết: “Do mới tách nên đơn vị chưa thành lập được bếp ăn từ thiện. Tôi nghĩ bệnh viện nào cũng có sự hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo như một số nhóm đã thực hiện thì thật sự có ý nghĩa”.
Tôi nhớ bà Võ Thị Minh Trang từng nói: “Bớt may một bộ đồ đẹp, một bữa ăn ngon để chia sẻ với người khó khăn. Giúp bệnh nhân chén cơm, bát cháo dinh dưỡng cũng là liều thuốc giúp bệnh nhân mau lành bệnh”. Có lúc bà phục vụ quên cả bệnh của mình, đến khi huyết áp tăng cao phải nhập viện. Cũng từ tâm nguyện đó, bà đã thu hút được nhiều người tham gia. “Ở mỗi địa phương cần có người tiên phong đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện để làm cầu nối chia sẻ với bệnh nhân nghèo”, bà Trang nói.
MINH TUẤN