Nhân dịp Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất (vòng IV) do Báo Phú Yên đăng cai tổ chức, nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã về dự. Phóng viên báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn ông về chủ đề “Báo Đảng góp phần đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) tại địa phương”.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Ảnh: T.QUỚI |
* Trước hết, xin ông cho biết cảm nghĩ của mình về chủ đề Hội thảo:“Báo Đảng góp phần đảm bảo ASXH tại địa phương”?
- Đảm bảo ASXH là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng đến thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân, ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo ASXH vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả. Đây là tư tưởng nhất quán của Đảng ta, cũng là thực hiện theo tư tưởng và ước nguyện lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải gắn kết phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội”, “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”... Tôi nghĩ rằng, Báo Phú Yên và các báo đã chọn chủ đề hội thảo có nội hàm rất lớn, hay, sát với thực tế và rất thiết thực. Đối với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng người nghèo, người yếu thế còn cao; bên cạnh đó thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai dịch bệnh..., vấn đề ASXH càng ýnghĩa. Vì thế, việc các báo Đảng trong khu vực ngồi lại với nhau để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tuyên truyền về ASXH cũng như kinh nghiệm hay trong hoạt động xã hội - từ thiện là một việc làm hết sức cần thiết và cao đẹp. Công tác ASXH với báo Đảng địa phương chính là lương tâm và trách nhiệm.
* Theo ông, đâu là thế mạnh của báo Đảng địa phương về vấn đề ASXH?
- Trước hết phải khẳng định báo Đảng có vai trò rất lớn và tích cực trong công tác ASXH. Trong thời gian qua, báo chí đã phát huy tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông, trong đó có lĩnh vực ASXH. Có hai vấn đề nổi bật có thể thấy việc báo Đảng địa phương đóng góp tích cực trong công tác ASXH.
Thứ nhất, báo Đảng địa phương với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Đảng bộ chính quyền địa phương, trong đó có các chủ trương, chính sách và pháp luật về ASXH. Báo còn là cầu nối phản ánh sự vận hành đường lối chính sách, đề đạt các kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đến các cơ quan chức năng.
Thứ hai, thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, báo Đảng đã vận động, kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tạo nên nguồn lực tài chính để tổ chức các chương trình từ thiện - xã hội, giúp đỡ các đối tượng yếu thế. Làm công tác ASXH đòi hỏi người làm báo phải có tâm trong sáng, có tấm lòng bền bỉ, có trái tim yêu thương kết nối đến những tấm lòng đồng điệu. Đây là một việc làm hết sức cao đẹp, thầm lặng phía sau mặt báo, góp phần tạo nên uy tín và cả sức mạnh của tờ báo.
* Kết thúc hội thảo, ông có nhận xét và kỳ vọng gì?
- Các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lâu nay duy trì rất đều đặn việc tổ chức hội thảo. Đây là dịp để các bạn đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm làm báo. Tại hội thảo lần này, tôi thấy đại biểu các báo đã mạnh dạn trao đổi nghiệp vụ; những kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động từ thiện - xã hội; đề xuất những cách làm mới hiệu quả, đồng thời mạnh dạn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp thiết thực nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo ASXH của từng tỉnh, thành phố trong khu vực.
Một minh chứng rất cụ thể là các báo đã thống nhất đóng góp, hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng tại Phú Yên một ngôi nhà tình nghĩa. Điều này cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo các báo Đảng “nói đi đôi với làm”.
Tôi nghĩ, chắc chắn sau hội thảo lần này, các báo sẽ có thêm kinh nghiệm hay, cách làm mới để phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác ASXH, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)