* Phú Yên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 89,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai.
* Tỉnh ủy chỉ đạo cấp tốc cứu đói cho dân và hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân
Phú Yên đã rất nỗ lực để hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do đợt mưa lũ vừa rồi gây ra. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt ở Phú Yên đã phát biểu như thế ngày 23-12. Các đồng chí Nguyễn Thành Quang, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Thanh Đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Tấn Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng trong tỉnh tiếp và làm việc với Bộ trưởng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với tỉnh Phú Yên về việc khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh: N.Lưu |
UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quam tâm hỗ trợ 89,5 tỷ đồng để khắc phục nhanh những thiệt hại lũ lụt, cụ thể hỗ trợ 1.650 tấn gạo cứu đói cho 55.000 nhân khẩu; hỗ trợ giống thủy sản, 900 tấn lúa giống để khôi phục sản xuất; 60 tỷ đồng khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi; 15 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 3 điểm tái định cư cho dân vùng triều cường… |
Cũng trong chiều 23-12, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại triều cường ở làng biển Mỹ Quang Nam, Mỹ Quang Bắc, xã An Dân, huyện Tuy An.
TỈNH ỦY CHỈ ĐẠO CẤP TỐC CỨU ĐÓI CHO DÂN VÀ HỖ TRỢ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN
Trước đó, sáng 23-12, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang đã chủ trì cuộc cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp khắc phục nhanh hậu quả thiên tai lũ lụt, triều cường.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Phú Yên được đánh giá là lớn nhất các tỉnh miền Trung
Trên cơ sở về những đề xuất của UBND tỉnh và ý kiến đóng góp các giải pháp khắc phục thiên tai của các cấp, các ngành chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang đã chỉ đạo: Ngay từ bây giờ, các cấp ủy Đảng với tinh thần tập trung cao độ, giảm bớt những cuộc hội họp không cần thiết để chỉ đạo việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại cụ thể ở từng vùng lũ để có cơ sở cấp tốc triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục. Các ngành cùng các địa phương chủ động phối hợp sửa chữa trường học, các cơ sở y tế, đường giao thông bị hư hại, nhất là tập trung khắc phục nhanh sự cố sạt lún tại Km1295+150 trên tuyến QLIA thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An và sạt lở núi Đèo Cả; xử lý môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra ở vùng lũ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp khắc phục nhanh hệ thống thủy lợi, kênh mương nôi đồng đảm bảo phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ ngay 70 tấn lúa giống và vận động nông dân gieo sạ lúa đông xuân kịp thời vụ. Ngành Ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho dân bị thiệt hại về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị thiệt hại về người và tài sản trong lũ; triển khai chương trình cứu đói đợt 1 gồm 150 tấn gạo cho dân ở vùng lũ; hỗ trợ kịp thời cho hộ có người chết 2 triệu đồng/người; nhà sập, trôi, hư hại 4 triệu đồng/nhà. Đồng thời huy động lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên giúp dân ở vùng lũ, triều cường khắc phục nhà ở; phát động đợt vận động cán bộ, CNVC, lao động ở đơn vị, doanh nghiệp… trong tỉnh đóng góp 1 ngày lương giúp dân ở vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống.