Phú Yên bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa rồi với tổng mức thiệt hại 150 tỉ đồng. Ngay sau khi nước lũ rút các địa phương đã cấp tốc triển khai các biện pháp để khắc phục hậu quả.
TUY AN: HUY ĐỘNG NHIỀU LỰC LƯỢNG GIÚP DÂN ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG
Trong đợt lũ lụt vừa qua, huyện Tuy An là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Đến ngày 20-12, toàn huyện Tuy An đã có 5 người chết, 4 căn nhà bị sập hoàn toàn. Trong khi đó, triều cường xâm thực đang tiếp tục đe dọa đến tính mạng, nhà cửa và tài sản của 55 hộ dân ở hai xã An Chấn và An Ninh Đông. Lũ lụt đã nhấn chìm 7 chiếc thuyền của ngư dân các xã An Ninh Đông, An Hải và An Chấn; làm 100 ha hồ nuôi tôm bị sạt lở nặng. Về nông nghiệp, lũ lụt đã gây ngập úng 125 ha diện tích sản xuất đông xuân gieo sạ sớm và khoảng 10 tấn giống ngâm ủ bị hư không còn sử dụng được, trên 1.000 ha lúa vụ 10, 12 và 150 ha đậu nành bị ngập úng, hư hại từ 50-70%, gần 100 bò nghé bị chết rét. Về giao thông, nhiều tuyến giao thông bị hư hại nặng, 25m cầu gỗ tại An Hải và 20m bờ bao che Bê Bình Thành bị nước cuốn trôi.
Khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh: Tuấn Lê |
Hiện nay, huyện Tuy An đang khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân bị chết đuối, giúp đỡ cho các gia đình bị nhà sập ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện đang huy động lực lượng thanh niên xung kích và các đơn vị vũ trang đóng quân tại địa phương di dời người, tài sản của bà con vùng triều cường vào khu an toàn; bố trí lực lượng tại chỗ đảm bảo ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản khôi phục tạm thời các tuyến đường giao thông để hạn chế ách tắc.
SÔNG CẦU: BẢO VỆ CÁC KHU DÂN CƯ BỊ TRIỀU CƯỜNG XÂM THỰC
Tại huyện Sông Cầu, đến nay, bà con nuôi tôm hùm giống vẫn chưa thể kéo lồng lên trên để khắc phục thiệt hại bởi sợ gặp nước bạc mặt trên càng làm tôm chết nhiều hơn. Riêng thôn Mỹ Thành xã Xuân Thọ 1, theo đánh giá sơ bộ, tôm hùm giống ở đây nhiều khả năng mất trắng. Các tuyến giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất và có độ dốc lớn nên thiệt hại do xói lở rất nặng, tuy nhiên vẫn chưa thể triển khai các biện pháp khắc phục.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của huyện vẫn là bảo vệ các khu dân cư có khả năng bị triều cường xâm thực. Sông Cầu đang huy động các lực lượng bộ đội, công an... túc trực và mua bao tải vào cát tạo tường chắn giữa biển và các khu dân cư như thôn 2 (xã Xuân Hải); Hòa An (Xuân Hòa), Từ Nham (Xuân Thịnh), Gành Đỏ (Xuân Thọ 2) và cồn Ông Chỉ, Long Hải Nam (thị trấn Sông Cầu).
SÔNG HINH, SƠN HÒA: TẬP TRUNG CHỐNG RÉT CHO ĐÀN ĐẠI GIA SÚC
Trong mấy ngày qua, do thời tiết giá lạnh và mưa lớn đàn bò của hai huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa đang bị chết hàng loạt. Đến ngày 20-12, toàn huyện Sông Hinh đã có hơn 1.000 con bò bị chết và con số này đang tiếp tục tăng cao khi mỗi ngày trung bình nông dân mất đi hơn 100 con bò. Phần lớn bò bị chết từ 1-3 tháng tuổi. Trong khi đó, tại huyện Sơn Hòa đã có trên 500 con bò bị chết. Các địa phương có số lượng bò chết nhiều nhất là các xã vùng cao như Sơn Hội Cà Lúi, Phước Tân. Ngoài việc thời tiết rét lạnh, đàn bò của hai huyện miền núi này bị chết hàng loạt là do chuồng trại sơ sài và hiện nguồn thức ăn cho các đàn bò đã bị cạn kiệt.
Trước tình hình trên, các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa đang chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương, đặc biệt là thú y cơ sở, hướng dẫn bà con sửa sang, vệ sinh chuồng trại không để trâu bò bị lạnh, tăng cường thức ăn và chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Cán bộ thú ý cấp tỉnh cũng đã đến và ở lại các địa phương để hướng dẫn nông dân chăm sóc đại gia súc, cắt cỏ bổ sung thức ăn xanh và thức ăn tinh, tăng cường đề kháng bằng thuốc Vitamin C; hướng dẫn làm lại chuồng trại và chữa bệnh cho gia súc bị mắc các chứng bệnh mùa lạnh...
Riêng huyện Sơn Hòa đã có kế hoạch hỗ trợ lúa giống cho bà con nông dân tại các xã bị thiệt hại trong lũ lụt vừa qua.
ĐỒNG XUÂN: KHÔI PHỤC CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Đến ngày 20-12, huyện Đồng Xuân vẫn còn hai xã bị chia cắt là Phú Mỡ và Xuân Sơn Bắc. Xã Xuân Sơn Bắc bị chia cắt do nước lũ vẫn còn cao tại tràn sông Con. Riêng xã xa nhất là Phú Mỡ vẫn còn nhiều con suối bị nước ngập không thể qua lại; dốc đá Mài (ĐT641) bị sạt lở nghiêm trọng vẫn chưa được khắc phục xong; Ngoài ra, các tuyến giao thông liên thôn, liên xã đều bị sạt lở nên việc đi lại vẫn còn rất khó khăn.
Trên địa bàn huyện cũng đã có tới 200 con bò bị chết. UBND huyện Đồng Xuân chỉ đạo các địa phương, các HTX có giải pháp hỗ trợ lúa giống cho nông dân, Phòng Kinh tế cũng đã yêu cầu các cấp hỗ trợ 10 tấn lúa giống cho huyện triển khai mùa vụ.