Khi mà sự cố sụt lún tại ba điểm thuộc Quốc lộ 1A tại An Dân (Tuy An) vừa tạm thời được khắc phục thì lại xảy ra lở núi nghiêm trọng trên Đèo Cả gây ách tắc hoàn toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A. Công tác khắc phục sự cố đang được Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên tiến hành rất khẩn trương nhưng đến tối hôm qua việc thông xe vẫn chưa thể thực hiện được.
Khắc phục sạt lở ở phía nam Đèo Cả - Ảnh: Đức Thông
Theo Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, tại đoạn Quốc lộ 1A đi qua Đèo Cả với chiều dài trên 12km có đến 3 điểm bị sạt lở tại các vị trí km1356+400, km1358+900 và km1360+00. Riêng tại km1360+00, gần nửa quả đồi nằm phía vai trái đường đã đổ ập xuống làm gần 30,000m3 đất và đá tràn kín mặt đường trong phạm vi dài 150 mét. Sự cố xảy ra từ 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng ngày 21-12. Lúc đầu khi lượng đất sạt xuống đường còn ít, một số hành khách từ một chuyến xe ở phía Nam ra do nôn nóng về nhà đã vượt qua và bị đất lở tiếp vùi đến đầu gối phải đứng chịu trận trong hoảng sợ và giá rét cho đến khi lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi bãi lầy. Theo thông tin ban đầu, có đến 4 người rơi vào hoàn cảnh như vậy trong đó có hai thanh niên là Phan Đăng Tuấn và Lê Thị Trà My được Trung tâm y tế huyện Đông Hòa sơ cứu sau đó đưa về bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Phú Yên và đã xuất viện vào 15 giờ 30 phút ngày 22-12. Ngoài các trường hợp nói trên đến nay, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị đất vùi chết như lời đồn thổi của một số người dân.
Ngay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, vào lúc 5 giờ sáng ngày 21-12, Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã khẩn trương điều động lực lượng xe máy vào hiện trường. Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ 5 Vũ Văn Hưng đã có mặt tại nơi bị ách tắc, kịp thời điều động lực lượng tăng cường từ Khánh Hòa ra. 13 máy xúc, máy san, xe tải được chia làm hai mũi đột phá nhằm có dọn dẹp lượng đất và đá tràn xuống mặt đường. Tuy nhiên công việc khắc phục sự cố trong ngày 21-12 cũng chỉ có thể thực hiện đến 18 giờ 30 phút sau đó phải dừng lại vì các mái ta luy dương vẫn có nguy cơ sụp đổ gây nguy hiểm đến lực lượng quảng cứu. Trong ngày 22-12, công việc được tiến hành một cách khẩn trương hơn. Khu quản lý đường bộ 5 đã tăng cường cho Phú Yên xe đào có dung tích gàu lớn từ Đắc Lắc xuống đồng thời cho thực hiện phương án nổ mìn để phá các tảng đá lớn. Theo kỹ sư Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, tại vị trí bị sạt lở nặng nhất là km1360+00 ngoài lượng đất khổng lồ còn có đến 7 tảng đá lớn. Mặc dù thủ tục để bắn mìn được đã hoàn tất trong thời gian sớm nhất nhưng phải đến tối 22-12 mới có thể thực hiện được công việc này. Việc thông đường có khả năng còn kéo dài. Cũng theo ông Hóa, sau khi giải quyết thông xe tại điểm bị sạt lở nặng thuộc km1360, đơn vị này còn phải tiếp tục dọn dẹp các điểm sạt lở khác thuộc đoạn đường Đèo Cả do đơn vị quản lý. Theo tin báo của đơn vị bạn Khánh Hòa, trong đoạn từ km1360 đến km1366 còn có 4 điểm khác đất và đá sạt lở chiếm 1/3 mặt đường. Song điều quan trọng hơn theo ông Hóa, là sau khi thông xe tại km1360, mặt đường có thể sẽ bị hư hỏng. Do vậy việc đảm bảo giao thông an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, CSGT công an tỉnh Phú Yên đã được huy động để giữ trật tự giao thông trên suốt chiều dài gần 20km từ cầu Bàn Thạch đến Đèo Cả. Hầu hết các xe khách từ Bắc vào đều được lực lượng CSGT hướng dẫn quay đầu để ra cầu Bà Di (Bình Định) theo Quốc lộ 19 về TP Hồ Chí Minh. Nhờ vậy chỉ còn khỏang 300 xe tải phải nằm chờ nhưng cũng được lực lượng cảnh sát và kiểm soát quân sự Phú Yên thường xuyên tuần tra giữ gìn trật tự không để xảy ra tình trạng mất an ninh.
HOÀI TRUNG
Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên Phạm Văn Hóa: Tầng địa chất ở đèo Cả đang biến đổi Xây dựng hầm đường bộ là giải pháp tốt nhất Sự cố lở núi trên Đèo Cả đang đặt ra nhiều vấn đề về bảo đảm an toàn giao thông lâu dài trên đường đèo này. Kỹ sư Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên: * Ông có cảm thấy bất ngờ khi sự cố xảy ra? - Đoạn Quốc lộ qua Đèo Cả thuộc trách nhiệm do chúng tôi quản lý là nơi thường xảy ra tình trạng sạt lở. Gần đây, tình trạng sạt lở ở Đèo Cả đã xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ tính riêng vào đầu mùa mưa năm nay (từ 15 đến 25-10) đoạn Quốc lộ 1A đi qua Đèo Cả do chúng tôi quản lý đã có đến 17 điểm bị sạt lở với một lượng khối lượng đất, đá rất lớn. Mặc dù luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó với tình trạng sạt lở ở Đèo Cả nhưng thú thật chúng tôi cảm thấy bất ngờ với vụ sạt lở xảy ra vào ngày 21-12 vì khối lượng sạt lở quá lớn. Gần nửa quả đồi với gàn 30.000m3 đất và đá đổ ập xuống đường làm tắc giao thông là điều có thể nhiều người không lường được. Điều này cũng chứng tỏ rằng tầng địa chất ở khu vực này đang có những biến đổi phức tạp cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. * Tình trạng sạt lở ở Đèo Cả chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Theo ông đâu là biện pháp giải quyết triệt để của vấn đề này? - Có rất nhiều phương án nhưng theo tôi tốt nhất là Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả. Nếu sớm được thực hiện thì việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Cả sẽ trở nên thuận tiện hơn, vừa rút ngắn thời gian, vừa giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên trong thời gian chờ triển khai xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả thì Bộ GTVT cũng nên có giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng sạt lở. * Xin cảm ơn ông! THANH HOÀI (thực hiện)