Mới hơn 3 giờ chiều, đàn ông, trai tráng trong làng đã tập trung đông đủ ở bãi biển Phú Thường. Đang mùa biển động nhưng ngư dân ở đây lại dong thuyền về hướng mũi Cao Biền để chong mành tôm. Ông Biện Rèn, lạch trưởng của thôn Phú Thường khề khà: “Ngày trước biển động, dân biển lo đói. Còn giờ, biển động, làm mành tôm càng trúng, người ta càng có nhiều tiền. Nhờ nghề mành tôm, dân biển An Hoà chúng tôi khá giả lên đấy!”.
Ông Biện Rèn chuẩn bị lưới để chong mành tôm - Ảnh: NGỌC DUNG |
Ông Biện Rèn vốn rất rành nghề chong mành tôm hùm giống, cho biết: Dân Phú Thường (xã An Hoà, huyện Tuy An) bắt đầu làm nghề mành tôm từ năm 2003 trở lại đây. Hồi trước, bà con ở đây có người đánh lưới cũng bắt trúng con tôm xao (tên gọi của tôm hùm lúc nhỏ) nhưng không biết giá trị của nó. Chỉ từ khi nghe dân Sông Cầu vớt tôm bán cho những người nuôi ương với giá tiền rất cao (130.000 đồng/con), người Phú Thường mới đổ xô vào làm nghề này. Bây giờ không chỉ ở Phú Thường mà cả hai thôn Nhơn Hội, Hội Sơn của xã có đến gần 200 chiếc thuyền làm nghề mành tôm.
Tôm xao hay tôm trắng là loại tôm nhỏ như cây tăm, trong suốt. Hình thù của nó giống như con bò cạp lúc nhỏ. Phải nhìn thật kỹ mới phát hiện ra chúng. Mùa biển động cũng là mùa sinh sản của tôm hùm. Gặp sóng đánh mạnh, những con tôm xao ở ngoài khơi dạt vào. Ông Rèn cười: “Biển động, sóng càng mạnh thì người ta lại bắt được nhiều tôm xao”. Chúng thường xuất hiện ở những nơi kín gió, có chỗ ẩn núp như ở các gành, bãi rạng…
Để bắt tôm xao, người ta phải dùng lưới trủ xanh và chong đèn để nhử chúng. Loại tôm xao này rất ưa đèn. Để “dụ” được chúng đến phải thắp nhiều đèn, trung bình một chiếc thuyền thắp 20-30 bóng type và phải chạy máy nổ suốt đêm. Một lần đi chong mành tôm phải mua 10-15 lít dầu là chuyện thường.
Ông Biện Hiệp, một người làm nghề mành tôm bảo rằng: “Ngư dân đánh bắt tôm xao từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Nghề mành tôm chỉ sợ bão thôi chứ trời động, gió cấp 5-6 vẫn đánh. Sóng càng lớn, càng bắt được nhiều tôm xao. Để bảo đảm an toàn, mỗi thuyền đều có bộ đàm để liên lạc với nhau. Hệ thống điện đài giúp ngư dân cập nhật thông tin dự báo thời tiết 24/24. Nếu thấy tình hình không ổn là “dọt” vô bờ liền”. Làm nghề chong mành tôm nói chung là rất nhàn, 3 giờ chiều chạy thuyền ra để “xí” chỗ trước. Lưới rộng khoảng 10 mét nên phải bơi thuyền thúng để rắc lưới. Thả lưới xong, người thì ngồi tán gẫu, người thì ăn cơm, có người còn nấu cả cơm trên thuyền. Khoảng 2-3 giờ kéo lưới một lần. Đến 7 giờ sáng hôm sau là về bến.
Tôm xao được ngư dân bán cho những người nuôi ương hay những đại lý thu mua trung chuyển. Giá một con tôm xao tuỳ loại từ 130.000-170.000 đồng. Một đêm bắt được 2-3 con coi như ổn. Ông Đinh Chà ở Nhơn Hội, một “tay” chong mành tôm chuyên nghiệp không chỉ cắm bãi ở An Hoà mà còn có mặt ở Nha Trang (Khánh Hoà) cười: “Hên xui thôi! Có hôm về tay không lỗ tổn, có hôm hên đánh trúng luồng. Nếu gặp vận đỏ thì trung bình một con nước kiếm được 5-7 triệu. Có tháng gặp tôm xao chạy dày, kiếm được 50-70 triệu đồng ngon lành. Khi đó, thế nào cả làng cũng khao một bữa bia lon “thả dàn”!
Để chong mành tôm chỉ cần chạy thuyền ra cách bờ 2- 3 cây số. Một chiếc thuyền nhỏ khoảng chừng 7-8 thước, trên thuyền có 2-4 người đi bạn. Từ trẻ con 13 tuổi cho đến lão ngư gần 60 tuổi, miễn có sức khoẻ tốt là có thể đi chong mành. Một dàn mành tôm tuỳ loại gồm lưới và chì khoảng từ 5-10 triệu đồng. Chi phí cho một chuyến đi biển không cao, trong khi thu nhập lại ngất trời nên 3 năm trở lại đây, ngư dân từ Sông Cầu, An Hải cho đến Khánh Hoà làm nghề rất đông.
Gương mặt sạm nắng của ông Chà rạng rỡ nụ cười: Mấy năm trước, dân biển sợ nhất là mùa biển động, trong nhà không có tiền, đàn ông trai tráng chỉ biết tụ tập đánh bài, uống rượu. Từ khi có nghề mành tôm, không còn chuyện đó nữa. Nhiều lúc ham làm quá mà cả ngày 30, mùng một Tết người ta cũng ở ngoài biển để chong mành.
Phó Chủ tịch xã An Hoà Nguyễn Đình Thân chỉ tay về phía những căn nhà ngói mới mọc lên ở làng biển: “Cũng nhờ nghề mành tôm mà đời sống của bà con vùng biển Nhơn Hội, Phú Thường, Hội Sơn mấy năm nay khá hơn rất nhiều. Người ta còn mua ti vi, xe máy, xây cất nhà cửa”.
… Mới 3 giờ chiều, đàn ông, trai tráng trong làng đã tập trung đông đủ ở bãi biển Phú Thường chang chang nắng. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới hoà trong tiếng sóng khua động ầm ào. Bốn người con trai của ông Biện Rèn là anh Biện Văn Sự, Biện Văn Lợi, Biện Ngọc Thạch, Biện Văn Thưởng đều có mặt. Họ mang theo lưới và máy sục khí (để cung cấp ô xy cho tôm xao sau khi vớt chúng lên) cùng lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo để nấu cơm buổi tối. 3 giờ rưỡi, những chiếc thuyền chòng chành rời bến hướng về mũi Cao Biền. Hơn 4 giờ, mũi Cao Biền trước mặt đã ken dày những chiếc ghe thả mành tôm. 6 giờ, bóng tối dần bao phủ làng biển, những chiếc đèn được thắp lên. Ban đêm nhìn về mũi Cao Biền trong mùa biển động như nhìn về thành phố. Có những niềm vui, niềm hy vọng đổi đời được thắp lên từ đó!
NGỌC DUNG