Sau gần ba năm thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, phường tại tỉnh, bộ máy tổ chức Nhà nước được tinh gọn, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian hội họp, góp phần nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính. Tuy nhiên, theo “những người trong cuộc” vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn nảy sinh cần sớm tháo gỡ.
Cần đẩy mạnh giám sát tại các nơi thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, phường. Trong ảnh: Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình thu phí, lệ phí ở huyện Sông Hinh - Ảnh: V.TÀI
GIẢM BIÊN CHẾ VÀ BỘ MÁY TRUNG GIAN
Nhìn lại sau gần ba năm tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường trên địa bàn tỉnh cho thấy: Ở TP Tuy Hòa người dân vẫn có ít nhất hai đại diện cho mình là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố. Riêng người dân ở các huyện có ít nhất ba đại diện là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND xã. Nhìn chung, các quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân vẫn được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh. Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của UBND huyện, phường trực tiếp thông qua đối thoại hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng lên. Mức độ hài lòng của nhân dân đối với chính quyền được duy trì ở mức độ cao. Công tác tổ chức bộ máy, hoạt động của chính quyền các cấp ổn định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý vẫn thông suốt. UBND các huyện, phường không có HĐND vẫn hoạt động ổn định trong tình hình mới. Kết quả rõ nét nhất của việc thí điểm là giảm biên chế và bộ máy trung gian, qua đó giảm một phần đáng kể chi phí hành chính.
Ông Hà Trung Kháng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho rằng: Gần ba năm triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, huyện đã có nhiều mặt rất thuận lợi, như bộ máy hành chính tinh gọn, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính, hoạt động của UBND chủ động hơn, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo UBND, nhất là chủ tịch UBND cao hơn trước; cải tiến, tạo thuận lợi hơn trong quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, sự chỉ đạo của UBND trực tiếp, nhanh gọn hơn, giảm lòng vòng. Do đó, việc không tổ chức HĐND ở cấp huyện, phường là hợp lý và kiến nghị Trung ương sửa đổi Hiến pháp nhằm hướng tới xây dựng chính quyền đô thị.
Còn theo báo cáo tại đợt kiểm tra tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự ký ngày 9/3/2011, sau gần 3 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, phường trên địa bàn Phú Yên, đến nay, hoạt động của bộ máy chính quyền ở những nơi thực hiện thí điểm cơ bản đã đi vào nề nếp. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội không bị ảnh hưởng, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống nhân dân, an sinh xã hội vẫn được quan tâm. Song song đó, HĐND tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác giám sát, tiếp xúc cử tri tại địa phương; giảm hội họp, giảm biên chế chuyên trách và phục vụ, giảm chi phí cho hoạt động của HĐND huyện, phường. Nhất là giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính bất hợp lý; giảm bớt tình trạng “sách nhiễu”, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trong hoạt động kinh doanh cũng như quan hệ dân sự khi giải quyết công việc.
VẪN CÒN LÚNG TÚNG
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường vẫn tồn tại những bất cập, vướng mắc. Ông Hà Trung Kháng chia sẻ: Việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân đứng ở góc độ nào vẫn bị hạn chế. Chất lượng chọn lựa Hội thẩm tòa án nhân dân bị ảnh hưởng do đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp biết rất ít thông tin liên quan đến ứng cử viên đưa ra bầu. Nếu nhìn trên bình diện rộng, thực hiện chủ trương thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nếu không phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế giám sát thì dễ sinh tình trạng độc đoán, lạm quyền. Bên cạnh đó, bí thư kiêm chủ tịch chỉ mới là sự thống nhất về chức danh, còn nhiệm vụ thì vẫn thực hiện như cũ. Vì vậy, nhiệm vụ này là rất nặng nề, phải mất nhiều thời gian để dự các cuộc họp. Do đó, nếu không có quy chế, hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể thì người giữ vai trò bí thư đồng thời là chủ tịch UBND không còn thời gian để nghiên cứu, định hướng những chương trình, kế hoạch lớn và sẽ ít có thời gian đi cơ sở nắm tình hình.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Khi không tổ chức HĐND cấp huyện khiến các xã trên địa bàn lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Và trên thực tế đã không còn các cuộc giám sát của HĐND cấp huyện đối với các cấp, ngành tại địa phương. Trong khi đó, đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện số lượng có hạn lại chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên công tác giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và các xã gặp không ít khó khăn, chưa đạt yêu cầu mục tiêu cải cách hành chính đề ra…
LỆ VĂN