Thứ Hai, 07/10/2024 23:34 CH
Nâng cao chất lượng dân số:
Quan tâm đến lứa tuổi vị thành niên, thanh niên
Thứ Sáu, 30/03/2012 08:05 SA

Trong 10 vụ việc về bạo lực học đường diễn ra từ năm 2010 đến nay được các trường báo cáo về Sở GD-ĐT Phú Yên thì hầu hết các vụ việc rất nghiêm trọng, như chết người, gây tổn thương đến người khác… Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay, nguy cơ bạo lực không chỉ dừng lại ở con số ít ỏi đó.

 

huong-dan120330.jpg

Giảng viên Lê Thái Thị Băng Tâm (trái) hướng dẫn học viên giải quyết vấn đề bạo lực học đường trong lớp tập huấn.

Theo bà Lê Thái Thị Băng Tâm, giảng viên của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã nói trong chương trình tập huấn cho cán bộ, công nhân viên ngành DS-KHHGĐ Phú Yên mới đây, hằng ngày trên mạng internet, các clip học sinh đánh nhau nhan nhản, mức độ bạo lực trong hành vi phải làm chúng ta giật mình. Một điều dễ dàng nhận thấy là các vụ bạo lực giữa nữ sinh với nhau ngày càng nhiều. Các nữ sinh không chỉ kéo tóc, véo tai mà còn mang cả hung khí đến lớp. Tính trầm trọng của bạo lực học đường gia tăng vì những người xung quanh đã không quan tâm, thờ ơ, thậm chí là cổ súy cho hành vi bạo lực.

 

Trong 5 năm trở lại đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đã nhiều lần được nghe nói về vấn nạn học đường này. Thế nhưng, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy tình trạng bạo lực học đường thuyên giảm. Việc học sinh bị ảnh hưởng từ game bạo lực với những cảnh đánh nhau đầy rẫy trên mạng, thầy cô chỉ quan tâm đến “bề nổi” mà chưa thật sự quan tâm đến học sinh; cha mẹ lại có tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm việc dạy dỗ con cái cho nhà trường và xã hội… đã làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực học đường.

 

Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 1 triệu trẻ em chịu cảnh bạo lực học đường, 350 triệu học sinh đối mặt với bạo lực học đường. Tại Mỹ, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị bắt nạt. Tại Nam Phi, có 40% trẻ em là nạn nhân của bạo lực học đường. Tại Anh, 2/3 học sinh thừa nhận đã quấy rối bạn học (năm 2005). Tại Đức, khoảng 50 vụ gây gổ ở trường/ngày. Tại Hàn Quốc, 13,2% học sinh nam và 5,8% học sinh nữ từ lớp 4 đến lớp 12 bị các bạn đánh hoặc làm tổn thương. Tại Việt Nam, từ năm học 2009-2010 đến nay, đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau.

Mới đây, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên phối hợp với CGFED mở đợt tập huấn dành cho tất cả các đối tượng là người phụ trách các câu lạc bộ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kiến thức giới và quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, trong đó vấn đề bạo lực học đường được bàn luận rất nhiều để có một cái nhìn toàn diện và cùng tìm cách giải quyết. Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa Lê Hữu Giang nói: “Trước đây khi xem các clip học sinh đánh nhau trên internet, tôi không thể hiểu vì sao lại có nhiều vụ xảy ra như thế? Tôi cũng không hiểu ngành GD-ĐT đã làm gì để tình trạng này diễn ra không thể kiểm soát? Thế nhưng sau buổi tập huấn này, tôi đã biết có rất nhiều nguyên nhân từ học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội góp vào chứ không đơn giản chỉ là vấn đề của giáo dục”. Với kiến thức đã có, anh Giang đang lập một kế hoạch xin nhà trường cho tổ chức những buổi thảo luận về vấn đề bạo lực học đường để cùng nhau tìm cách giải quyết”.

 

Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nói: “Để nâng cao chất lượng dân số thì vị thành niên, thanh niên được xem là đối tượng rất quan trọng cần được chăm sóc tốt. Bạo lực học đường không phải là vấn đề chính của ngành DS-KHHGĐ. Thế nhưng sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên lại là một vấn đề quan trọng cần giải quyết vì học sinh là rường cột của quốc gia. Chúng tôi không đóng khung cứng nhắc truyền thông về các vấn đề liên quan đến KHHGĐ và sức khỏe sinh sản. Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là vấn đề của xã hội vì vậy chúng tôi đã cập nhật kiến thức về bạo lực học đường cho cán bộ ngành ở cơ sở. Vấn đề này có nguồn gốc sâu xa từ gia đình và xã hội”. Bà Mai cũng cho rằng, các em có hành vi bạo lực và các em bị bạo lực đều rất có thể là nạn nhân của các hành vi bạo lực xuất phát từ gia đình, xã hội. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường, gia đình và cả xã hội phải cùng nhau hướng dẫn các em một số kỹ năng sống như giao tiếp, xác định mục tiêu cuộc sống… để các em có được một nhân cách tốt và biết cách ứng xử với môi trường sống xung quanh.

  

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek