Ông Sâm là một nông dân điển hình chăm chỉ làm việc. Đối với ông, làm việc quanh năm với đồng án để kiếm tiền chăm lo cho gia đình, con cái học hành giỏi giang, nhà cửa khang trang... là một kết quả viên mãn. Chính cái suy nghĩ ấy đã khiến ông mong muốn mọi thứ đều phải răm rắp tuân theo ý muốn của mình.
Ảnh minh họa: Internet
Nhưng trên thực tế, suy nghĩ đó đã đối lập hoàn toàn khi ông nhìn thấy cậu con trai duy nhất của mình bỏ học, gia đình lại gặp khó khăn tiền bạc vì ông phải nuôi 3 con ăn học.
Bất lực trước sự hư hỏng của con trai độc nhất, lại thêm sự túng quẫn về kinh tế, ông đã đổ lỗi cho vợ mình không biết cách dạy con và tiêu xài hoan phí khiến gia đình rơi vào cảnh nợ nần.
Chị Nga, vợ ông là một phụ nữ quanh năm tần tảo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm tiền và kiêm cả việc chăm lo và dạy dỗ con cái. Chị đã nhẫn nhịn trước những lời sỉ vả cay độc của ông hết lần này đến lần khác để mong gia đình được êm ấm. Chị làm thế là bởi nói động chạm đến ông thì ông sẽ phật ý. Ông thường phản ứng bằng câu nói buông xuôi “ông không làm xem tụi bay lấy cái gì ăn”. Ông sẽ ngồi chơi và hành hạ gia đình bằng sự im lặng ít nhất là một tháng để thỏa mãn cơn giận của mình.
Theo năm tháng, hai con gái ông đã lớn. Từ lâu, họ đã nhận ra sự vô lý của người cha gia trưởng. Ông bất lực trong việc dạy dỗ con trai, không thể nhìn thấy số tiền ông kiếm được chẳng đủ để nuôi nổi một gia đình có ông bà già yếu, con cái học hành và tất cả những hội đám đều đến lượt vợ lo.
Chính vì vậy mà gia đình chị Nga không bao giờ được hạnh phúc. Họ sống trong sự thấp thỏm lo sợ người cha, người chồng của mình sẽ trừng phạt họ bằng sự im lặng dài hơi nếu ông cảm thấy thất vọng về cuộc sống.
TUYẾT TRẦN