Việc tuyển dụng lao động phổ thông được các ngành chức năng và doanh nghiệp quan tâm, với nhiều chính sách ưu đãi về tiền lương, thưởng, chế độ bảo hiểm, điều kiện làm việc… Tuy nhiên, việc cân bằng giữa cung - cầu lao động vẫn chưa được cải thiện. Báo Phú Yên ghi lại các ý kiến đề xuất nhằm giải quyết tình trạng này.
*
BÀ NGUYỄN THỊ THU VÂN, PHÓ CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH PHÚ YÊN: Tăng cường đối thoại, thỏa thuận để hiểu nhau Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đúng pháp luật lao động, áp dụng các chính sách ưu đãi, giúp người lao động an tâm sản xuất, tạo ra lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thời điểm công nhân không gắn bó với công việc là do cảm thấy không phù hợp với khả năng, điều kiện bản thân nên tìm việc làm khác. Điều này chứng tỏ người lao động đã có ý thức trong chọn lựa việc làm phù hợp.
Muốn ổn định sản xuất, giải pháp tối ưu nhất là hài hòa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động, giữa hai bên phải có tiếng nói chung. Thông qua tổ chức công đoàn, chủ sử dụng lao động và lao động có thể tăng cường đối thoại, thỏa thuận để có thể hiểu nhau và thống nhất các vấn đề có liên quan, đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và người lao động. Qua đó, chủ doanh nghiệp có thể ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đồng thời người lao động chia sẻ với chủ doanh nghiệp... để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất.
* ÔNG LÊ VĂN PHỔ, TRƯỞNG PHÒNG VIỆC LÀM, AN TOÀN LAO ĐỘNG (SỞ LĐ-TB-XH TỈNH PHÚ YÊN): Thực hiện các chính sách ưu đãi, đảm bảo cuộc sống người lao động
Thời gian qua, tình trạng cạnh tranh trong khâu tuyển dụng ở một số doanh nghiệp để lôi kéo người lao động đã tạo tâm lý bất ổn cho người lao động. Bên cạnh đó, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên một số người lao động không muốn vào doanh nghiệp làm việc, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực. Theo tôi, các doanh nghiệp cần có chính sách tiền lương, thưởng phù hợp, nhà ở, môi trường làm việc, đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Người lao động hiện còn những hạn chế nhất định, như: thiếu thông tin thị trường lao động, ngành nghề, thu nhập, điều kiện; thiếu am hiểu kỹ năng về việc làm và kỹ năng nghề; dễ chấp nhận công việc thu nhập thấp, việc làm không ổn định, dễ thay đổi việc làm, không quan tâm nhiều đến Luật Lao động. Khi mất việc làm, họ dễ sa sút tinh thần, khó tìm ngay việc làm tốt hơn. Vì thế, người lao động cần quan tâm nâng cao kiến thức, tiếp cận và am hiểu thị trường lao động, Luật Lao động; có kỹ năng làm việc: tự tin, hoạch định kế hoạch, đối mặt với áp lực, chăm sóc bản thân và tham gia các hoạt động xã hội, tích lũy kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng nghề...
* ÔNG ĐINH TẤN HIẾU, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GIỚI THIỆU VIỆC LÀM THANH NIÊN TỈNH PHÚ YÊN: Cần chuyên nghiệp trong quản lý và sử dụng lao động
Chúng tôi thường xuyên nhận nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với hàng nghìn đầu việc dành cho lao động phổ thông cho nhiều vị trí khác nhau. Thế nhưng, trung tâm chỉ tuyển được ít lao động cho các vị trí giao hàng, bán hàng và công nhân trực tiếp sản xuất. Theo tôi, mức lương rao tuyển từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên, trong cơ chế thị trường sức lao động hiện nay kèm theo các chính sách ưu đãi đối với người lao động là khá phù hợp. Từ góc độ đơn vị tuyển dụng, theo chúng tôi, thời gian qua, lao động trẻ thiếu hẳn sự kiên nhẫn, chịu khó; ngại làm việc theo ca, gò bó, kỷ luật phân xưởng, chỉ thích lao động công nhật, tự do. Một số doanh nghiệp, cơ sở tư nhân quản lý và sử dụng lao động chưa chuyên nghiệp, chưa thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động, nên người lao động chưa an tâm làm việc, cống hiến. Doanh nghiệp nên quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người lao động, như: nhà ở, phương tiện đi lại, phúc lợi, hiếu hỉ, tạo điều kiện phát huy người lao động có thâm niên trở thành cán bộ chủ chốt để họ thấy được mục tiêu tương lại rõ ràng và an tâm làm việc, phấn đấu vì lợi ích của doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện các chính sách pháp luật đối với người lao động.
* ÔNG NGUYỄN THÀNH ĐỨC, CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN KHU KINH TẾ PHÚ YÊN: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động
Do trình độ học vấn, tay nghề hạn chế, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên hầu hết lao động trong độ tuổi tập trung làm việc ở các doanh nghiệp, với mức thu nhập hàng tháng tương đối thấp, phải gói ghém mới trang trải đủ chi tiêu trong gia đình. Đó cũng là nguyên nhân để người lao động có thể nghỉ việc nơi này và tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn, làm cho lực lượng lao động tại một số doanh nghiệp bất ổn. Theo tôi, để giúp người lao động làm việc lâu dài, doanh nghiệp ổn định lực lượng sản xuất, người lao động cần chịu khó, kiên trì, có trách nhiệm với công việc, gắn bó và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người lao động, bằng cách cải tiến điều kiện làm việc, mức thu nhập, các chính sách phúc lợi, ưu đãi... Trong đó, vai trò của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng.
THÁI NGỌC (thực hiện)