Thứ Tư, 27/11/2024 05:11 SA
Nhọc nhằn lao động nữ nông thôn
Thứ Bảy, 11/02/2012 11:00 SA

Trong kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Ban Vì sự tiến bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Yên đặc biệt chú trọng đến mục tiêu giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động việc làm, trong đó tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo vùng nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này là điều không hề dễ dàng.

 

cay-lua-120211.jpg

Lao động nữ ở nông thôn giúp nhau cấy dặm lúa - Ảnh: N.DUNG

Hiện ở nông thôn Phú Yên, lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động. Họ không chỉ đảm nhiệm công việc nội trợ gia đình mà còn là lực lượng trực tiếp sản xuất.

 

VẤT VẢ MƯU SINH

 

Mới hơn 5g sáng, chị Lê Thị Mai ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) đã nấu xong bữa cơm sáng và thức ăn buổi trưa cho cả nhà. Ăn vội chén cơm lót dạ, chị Mai tất tả ra đồng cấy mạ. Đã quá trưa mà chị vẫn chưa nghỉ tay. Chị nói: “Tôi phải tranh thủ cấy cho xong đám ruộng này, về nhà ăn cơm trễ một chút cũng được. Buổi chiều, tôi còn sang xã bên trồng sắn thuê”. Chị Mai bảo, hai ba ngày nay, có việc làm thuê, nên chị kiếm được ít tiền để lo cá mắm cho cả nhà. Chị không phải tiêu vào số tiền mà anh Tuấn - chồng chị đi làm thợ hồ ở TP Hồ Chí Minh gửi về. Ngay từ đầu năm, vợ chồng chị Mai đã “lên kế hoạch”, vợ thì vừa lo chuyện ruộng vườn, chăm sóc con cái, vừa tranh thủ đi làm thuê bên ngoài để chi tiêu trong gia đình, còn số tiền hàng tháng chồng gửi về dành dụm mua cặp bò về nuôi, để sau này bán bò trả nợ tiền vay ngân hàng làm nhà. Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ. Công việc làm thuê lúc có lúc không, vì người nhiều việc ít. Không riêng chị Mai mà các chị em phụ nữ khác trong thôn, trong xã, hầu như lúc rỗi việc đồng áng, ai cũng tranh thủ đi làm thuê để kiếm ít tiền chợ hàng ngày và mua sách vở cho con cái ăn học. Đã vậy, không phải chị Mai lúc nào cũng khỏe. Làm việc quá vất vả, gắng sức, lại ăn uống tằn tiện, trông người chị ốm nhom, tái xanh, đã thế chị lại còn mắc chứng đau đầu và đau bao tử, hàng tháng tốn không ít tiền thuốc.

 

Thu nhập ít ỏi từba sào ruộng khoán, hai sào sắn, không đủ để gia đình chị Mai chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Đó là chưa kể đến những năm lúa không được mùa, sắn rớt giá, gia đình chị lại càng túng thiếu. Điều đáng nói là gia cảnh chị Mai không phải là cá biệt trong xã. Thậm chí có người còn nói, chị Mai còn may mắn khi chồng còn có nghề, có khoản thu nhập hàng tháng; một số phụ nữ khác, chồng chỉ biết mỗi việc làm nông, hết mùa lúa, mùa sắn là không có việc làm, rơi vào cảnh ăn không ngồi rồi, cuộc sống rơi vào cảnh túng thiếu, giật gấu vá vai.

 

GẶP NHIỀU TRỞ NGẠI

 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Hòa Phan Thị Liên cho biết: Dù nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã phối hợp với ngân hàng và các ngành chức năng khác khai thác các nguồn vốn tín dụng cho chị em vay vốn chăn nuôi bò, heo, gà; tổ chức mở các lớp tập huấn trồng trọt chăn nuôi, cũng như đẩy mạnh các hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Đời sống chị em tuy cải thiện hơn, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.

 

Phần lớn phụ nữ nông thôn có trình độ văn hóa thấp, kỹ năng nghề nghiệp không có, ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đến cả việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái… Bên cạnh đó, tình trạng lao động nặng nhọc, kéo dài, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt khiến cho sức khỏe của phần lớn phụ nữ nông thôn bị suy kiệt, bệnh tật gia tăng. Cùng với đó, đất đai ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, dân số tăng, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng ít khiến cho người nông dân thiếu đất canh tác, thiếu việc làm ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng đời sống nông dân ngày càng khó khăn. Trong các gia đình ấy, phụ nữ là người gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi phần lớn họ phải tập trung lo cho gia đình, với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Việc tạo ra thu nhập cho lao động nữ nông thôn không nhiều, không ổn định, phần lớn chỉ dựa vào việc làm thêm hay phụ giúp gia đình khi vào mùa vụ, hoặc chăn nuôi nhỏ.

 

Thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng trong phân biệt đối xử với lao động nữ, khi thu nhập phần lớn do nam giới làm ra. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cho phụnữvấp phải rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Một vấn đềquan trọng khác làviệc lồng ghép giới vào việc xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương ở địa bàn Phú Yên tuy đã triển khai trong nhiều năm nay, nhưng một số địa phương chưa thực sự tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hành động. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ chưa hiệu quả, khiến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chị em có lúc, có nơi chưa được đảm bảo.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek