“Rổi” là dịch vụ hậu cần nghề cá như khiêng cá, vác đá... mà một số chị em hay làm ở các cảng cá tự gọi cho công việc của mình. Đây là công việc cực nhọc đã giúp họ có thêm thu nhập, đỡ đần chồng con qua cơn khốn khó.
Chị em làm “rổi” ở bến cá phường 6 - Ảnh: K.CHI
Những chuyến thuyền đi biển từ đầu năm vừa cập bến, mang theo “lộc” biển là cá ngừ, cá thu, cá bớp... làm cho bến cá phường 6 nhộn nhịp hẳn lên. Tàu vừa về bến, hơn 20 chị em tất bật, gọi nhau í ới để kịp khiêng cá từ tàu lên bờ. Quệt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm nắng, chị Trần Thị Đào, lạch Phú Câu, phường 6 nói trong hơi thở mệt nhọc: “Tàu vào lúc nào là chúng tôi có mặt lúc ấy. Có khi đang ngủ ngon giấc, nghe tiếng còi tàu là chúng tôi bật dậy để đến cảng”. Kham khổ làm người đàn bà miệt biển này trông già hơn trước tuổi rất nhiều. Một ngày quần quật, chị kiếm được khoảng 50.000-70.000 đồng, có ngày nhiều tàu về thì được hơn 100.000 đồng. Chị Đào kể, chị vào nghề này từ thời con gái, tuổi nghề cũng đã hơn 25 năm rồi. Cả nhà chị có bốn người. Con trai thì đi “bạn”, con gái lớn thì nghỉ học, theo chị làm “rổi”. Chỉ có con gái thứ hai được chị dồn tâm sức nuôi ăn học ở TP Hồ Chí Minh, vừa tốt nghiệp đại học kế toán, đang chờ việc làm.
Tôi hỏi chuyện các chị làm “rổi” ở phường 6 thì biết mỗi chị một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều vì miếng cơm manh áo mà gia nhập “đội quân” này. Người có thâm niên nhất hiện còn đủ sức khuân vác cùng đám con cháu chính là bà Trần Thị Liên, 67 tuổi. Vóc người nhỏ nhắn, vậy mà bà Liên khiêng con cá ngừ đại dương nặng cả 100kg. Bà Liên có bảy người con, 17 cháu, chắt. Phân nửa số con cháu của bà theo nghề này. Bà Liên nói: “Hơn 40 năm bám biển, bám cái nghề “rổi” này, tôi vẫn chưa muốn nghỉ. Cuộc sống khổ cực, phụ giúp cho con cháu được lúc nào hay lúc ấy”.
Vừa xong công việc khiêng cá từ tàu lên bờ, một chị trong “đội quân” đếm được tổng cộng 57 con cá. Mỗi con được chủ tàu trả 6.000 đồng, vị chi được 342.000 đồng, chia cho gần 20 chị em làm “rổi”. Vậy là chuyến tàu đầu tiên cập cảng trong ngày, mỗi chị được gần 20.000 đồng. Mấy năm trước, chồng chị Thu Thủy đi “bạn” cho tàu PY 92368TS, chị ở nhà trông con. Nhưng những chuyến ra khơi của chồng thưa dần vì biển động. Chuyến được “lộc” biển thì được 5 triệu đồng, chuyến ít thì khoảng 2 triệu đồng. Tính đi tính lại, chị gia nhập vào đội quân này để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Công việc cực nhọc là vậy, song họ vẫn phải bám nghề để kiếm sống. Bà Liên bảo: “Cách đây bảy, tám năm, “đội quân” này chỉ có vài chị em, nay có đến khoảng 50-70 người. Chị em các nơi lân cận cũng đến đây làm việc. Mỗi đội tám người, hai lượt khiêng, một đội ở dưới tàu, khiêng cá đến bờ, đội còn lại khiêng cá từ bờ vào kho đông lạnh. Công việc cứ thế mà trải dài từ tháng Giêng đến tháng tư âm lịch. Còn những mùa khác, khi tàu không vào được cảng cá phường 6, mà vào cảng Vũng Rô hay bất kỳ cảng nào khác thì đội quân “rổi” đi theo để làm công việc của mình”.
Quá trưa, mặt trời đứng bóng, từ cửa biển Đà Diễn, một chuyến tàu nữa chuẩn bị cập cảng, các chị lại í ới gọi nhau, chuẩn bị đồ đạc để tiếp tục công việc. Cơm áo theo mồ hôi mà đến. Càng nhiều việc thì họ càng có thu nhập trong ngày.
HOÀNG LÊ