Thứ Hai, 07/10/2024 21:18 CH
Đi lễ chùa đầu năm
Thứ Sáu, 10/02/2012 18:00 CH

Đầu năm đi lễ chùa cầu an đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa cho đến rằm tháng Giêng, dù bận rộn đến mấy, nhiều người sắp xếp công việc để dành chút thời gian đi lễ chùa cầu mong một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn.

tu-quang-1120210.jpg

Đông đảo người dân đi lễ chùa Từ Quang - Ảnh: K.CHI

NÔ NỨC ĐI LỄ CHÙA

Theo tín ngưỡng của người dân Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, cầu mong một năm mới hạnh phúc, may mắn, phát lộc, phát tài… mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 tết, nhiều người còn có phong tục đi chùa du xuân trong các ngày Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Những ngày qua, hầu như ngày nào các chùa lớn, có phong cảnh đẹp trong tỉnh như chùa Bửu Lâm, Bửu Tịnh, Hồ Sơn (TP Tuy Hòa), chùa Thanh Lương (huyện Tuy An), chùa Hương Tích (huyện Tây Hòa)… đều đông người. Người dân và phật tử khắp nơi đổ về để viếng, dâng hương, cầu nguyện, cầu an… và kết hợp với du ngoạn ngày xuân. Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương chợ Tuy Hòa, hầu như năm nào cũng tranh thủ thời gian đi viếng nhiều chùa. Chị nói: “Đi chùa đã thành thói quen, cứ sau tết, tôi đến chùa để cầu mong gia đình một năm mới bình an, làm ăn thuận lợi”. Chị Nguyễn Thị Hiền, từ huyện Tuy An đi lễ chùa Bảo Lâm ngày rằm tháng giêng, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng giêng là tôi cũng đến chùa thắp nén nhang cầu cho cả gia đình một năm mới sức khỏe, bình an. Đến chùa tôi thấy lòng mình thanh thản hơn và muốn làm việc thiện nhiều hơn”.

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ đúng ngày 11 tháng giêng, hàng ngàn phật tử, tăng ni, người dân lại nô nức về chùa Đá Trắng, thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An) để dự lễ truyền thống của chùa. Duy nhất mỗi năm chỉ có một ngày lễ và cũng là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Phúc Hộ (1904-1985), nên lễ hội chùa Đá Trắng là một lễ hội tâm linh rất đặc biệt. Đây là hoạt động văn hóa quy mô lớn do chùa phối hợp huyện Tuy An tổ chức từ năm 1997, khi chùa chính thức được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Đá Trắng trước kia là tổ đình, do Tổ pháp Chuyên thiền sư thuộc dòng Lâm tế đời 36 khai sáng từ năm Đinh Tỵ (1797) dưới thời chúa Nguyễn. Nơi đây gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của Trần Cao Vân và Võ Trứ; là điểm chiêu tập nghĩa quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương, là pháo đài vững chắc để chống lại thực dân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu (An Ninh Tây). Đến năm 1887, mặc dù cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương thất bại, nhưng chùa Đá Trắng vẫn tiếp tục được các bậc sĩ phu yêu nước, tăng ni phật tử chọn làm nơi tụ họp bàn việc chống lại thực dân Pháp. Chính vì thế, với nhiều phật tử, lễ hội chùa Đá Trắng rất linh thiêng, nên lễ xong thường ai cũng muốn nán lại để xin lộc của chùa, có khi chỉ là một bữa cơm chay thiện nguyện, một nhánh cây hay bông hoa, chiếc bánh... để mong rằng một năm mới sẽ có nhiều may mắn, làm ăn được thuận lợi.

HIỂM HỌA TỪ SỰ MÊ TÍN

Đi lễ chùa đầu năm với tấm lòng thành kính là một nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cần được trân trọng. Thế nhưng, những giá trị văn hóa tâm linh đó có nguy cơ dần bị mất đi, thay vào đó là những tập tục mê tín dị đoan không đáng và những cuộc “hành xác” thay vì đi hành hương đúng nghĩa. Ngày xưa, lễ hội chùa Đá Trắng rất trang nghiêm và ấm cúng. Còn ngày nay, tấm lòng thành kính và công tâm của người dân dần mất khi cảnh chen lấn, giành giật nhau từng miếng ăn ngay sau khi chùa làm lễ và tổ chức ăn chay miễn phí; rồi trước cổng chùa các dịch vụ bán hàng hóa, giữ xe mọc lên nhan nhản. Hay như tại chùa Bửu Lâm, mấy năm gần đây, chùa trở thành một điểm du lịch giải trí tâm linh được nhiều người khắp nơi trong tỉnh biết đến. Đây cũng là cơ hội cho những người buôn bán, giữ xe, xin ăn đổ dồn về ngay sân chùa… làm nhiều người viếng chùa rất khó chịu, đồng thời làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Những năm gần đây, rất nhiều người dân trong tỉnh thuê xe đi lễ đầu năm ở chùa Bà Chúa Xứ, Châu Đốc (An Giang), hay chùa Bà Đen (Tây Ninh); các chùa ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Nhiều nhà xe tổ chức thực hiện các tour 3 ngày 2 đêm đưa người dân có nhu cầu đi viếng các chùa từ rằm tháng giêng trở về sau. Mỗi vé xe cho chuyến đi hành hương ở các chùa Tây Ninh, An Giang có giá từ 500.000-700.000đồng/khách nhưng vẫn rất đông người đi. Linh thiêng đến đâu không biết, nhưng mỗi chuyến đi cũng mất vài triệu đồng, có người về làm ăn được tiếp tục tin, tiếp tục đi; người đi say xe mệt lả người, về nhà vật vạ mấy ngày chưa lại sức; có người bị mất cắp vì chen lấn xin lộc, khấn vái, đã thế khi về làm ăn không thuận lợi, lại sinh bệnh… Thế nhưng, “không đi không được”, đó là câu nói của những người hay đi chùa ở các tỉnh vì lý do, đi để trả lễ chứ năm trước đã khấn xin lộc nên cố mà đi.

Đến chùa là nét đẹp trong văn hóa của người Việt bao đời nay, nhưng với không ít người đi chùa như ngày nay thì không còn đơn thuần là tín ngưỡng. 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek