Mặc dù sống xa gia đình, phải ăn Tết ở đất nước xa xôi, nhưng các du học sinh Phú Yên luôn nhớ về ngày hội của quê hương. Các em gạt bỏ nỗi nhờ nhà để học tập tốt để sau này về phục vụ quê hương.
Huỳnh Xuân Thạch cùng những người bạn nước ngoài tổ chức một bữa tiệc nhỏ để đón tết.
Tính đến năm nay, Huỳnh Xuân Thạch (sinh viên Trường Đại học Butler, TP Indianapolis, tiểu bang Indiana, Mỹ) đã có 4 cái Tết xa nhà. Thạch tâm sự, Tết đầu tiên ở nơi xứ người, xa nhà là cái Tết buồn nhất vì đó là lần đầu tiên em không được ở bên cạnh những người thân trong gia đình. Trong khi không khí Tết ở quê nhà nhộn nhịp, còn ở nơi đây thì chẳng khác gì một ngày bình thường. Bên cạnh đó, đồ ăn Việt Nam cũng khá ít, những món truyền thống của Việt Nam như dưa món và bánh chưng, bánh dày thì Thạch không có cơ hội thưởng thức. Tuy nhiên, sau vài năm xa quê hương và đón tết ở xứ người, Thạch cũng dần quen với cảm giác này vì đây cũng là thời điểm em bận rộn với việc học. Các cảm xúc, cũng như nỗi nhớ nhà đều biến thành động lực thúc đẩy em học tập tốt hơn. Trong dịp Tết ở Mỹ, các du học sinh thường không tổ chức tiệc tùng, nhưng Thạch cũng sắp xếp, tụ tập tổ chức một buổi ăn tối nho nhỏ với bạn thân và những sinh viên nước ngoài muốn biết thêm về Tết truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, năm nào cũng vậy, Thạch và gia đình nói chuyện và chúc tết nhau qua mạng internet vào đêm giao thừa vì đối với mỗi thành viên trong gia đình, một lời chúc mừng năm mới của những người thân là điều quan trọng nhất.
Bữa ăn trong buổi đón năm mới của Thảo Vi tại Singapore.
Cùng chung cảnh xa nhà là cô sinh viên Thảo Vi, trường Trường Ngee Ann Polytechnic (Mỹ), đã ăn Tết xa nhà 3 năm. Vi cho biết, học sinh Việt Nam ở trường không đông và đa số đều về nước ăn tết hết. Hai năm trước xa nhà Vi cũng hơi tủi nhưng lần này mới thật sự buồn. Vi cho biết, Tết đầu tiên, em cùng với 1 chị chung phòng nấu nướng vài món vào mùng 1 tết và mời vài người bạn đến chơi. Trong đó, Vi đã tự mình làm món thịt rộng mắm để đỡ nhớ nhà và qua đó giới thiệu món ăn Việt Nam với bạn bè. Năm nay, dù đang bận làm đề án cho học kỳ cuối, nhưng sáng mừng 1 em gọi điện sớm về cho gia đình, người thân để chúc tết. Trước đó, trong đêm giao thừa, Vi có kiểu đón năm mới "gián tiếp" độc đáo. Em chat voice với ba má và em gái, ba má vừa mở tivi thật to để em nghe được nghe cầu truyền hình trực tiếp và nghe cả tiếng pháo hoa rộn ràng. Những ngày tiếp theo, để vơi bớt nỗi nhớ nhà và cô đơn, Vi vừa mở nhạc xuân vừa “lướt” facebook liên tục để “cập nhật” tình hình ăn tết của mọi người ở nhà.
Chàng tân sinh viên Đại học Michigan (Mỹ) đón cái tết đầu tiên xa nhà trong tuyết trắng thay vì những chợ hoa như ở quê.
Trong khi đó, chàng tân sinh viên Trần Quốc Luân (Đại học Michigan, Mỹ) vừa cảm thấy đôi chút tiếc nuối khi phải xa nhà trong thời điểm Tết vừa có một chút thú vị, lạ lẫm khi đón năm mới trong tuyết trắng và những cành cây khô thay vì những chợ hoa nở rộ như ở quê. Mới qua nhập học được 2 tuần, Luân đang cố gắng thích ứng với môi trường sống mới, cũng như môi trường học tập mới để có thể đạt kết quả cao, không phụ kỳ vọng của gia đình, bạn bè, thầy cô. Luân cho biết, năm nay hội sinh viên Việt Nam của trường (khoảng 20-30 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam) có tổ chức gặp mặt, nấu các món ăn Việt Nam xem như 1 buổi tất niên. Luân cho biết, thức ăn khá đầy đủ tuy không nhiều. Cũng như các du học sinh xa nhà, năm nay Luân cũng gọi điện về gia đình chúc tết vào sáng mùng 1 và thông báo tình hình học tập của mình trong thời gian vừa mới qua.
Dù phải sống xa nhà và tự lập tự lập sớm, nhưng các du học sinh Phú Yên luôn nhớ về quê hương và nhớ về tết truyền thống Việt Nam. Khi được hỏi về mong ước trong năm mới, Vi, Thạch, Luân đều mong muốn gia đính luôn mạnh khỏe, bình an và mọi sự tốt lành để các em yên tâm khi xa nhà. Bên cạnh đó, các em cũng mong muốn mọi điều thuận lợi trong con đường học vấn để nhanh chóng hoàn thành việc học, trở về sum họp gia đình và góp phần xây dựng quê hương bằng những kiến thức mình đã học được ở xứ người.
TRỌNG HẢO