Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng tổ chức và hoạt động Công đoàn. Thế nhưng, để thi đua là động lực tạo sự phát triển còn là vấn đề cần quan tâm.
Thi đua thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển. Việc xét khen thưởng các phong trào thi đua phải căn cứ vào kết quả thi đua. Thực hiện khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải bảo đảm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân là chính; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được đề nghị ở mức cao hơn. Mặt khác phải phân biệt thi đua khen thưởng Nhà nước và thi đua khen thưởng trong hệ thống Công đoàn để phân biệt việc phối hợp hay chủ động tổ chức cho phù hợp nội dung, yêu cầu thi đua.
Phải xác định cụ thể nội dung thi đua để phát động thi đua cho từng đợt. Chính vấn đề này làm cho việc theo dõi, so sánh, đánh giá kết quả thi đua gặp khó khăn dễ dẫn đến tình trạng cào bằng thành tích. Như trong bài nói chuyện về Thi đua ái quốc, Bác Hồ đã khẳng định, thi đua thật ra là việc mà thường ngày chúng ta phải làm, nhưng khi thi đua là phải làm nhanh hơn, làm tốt hơn, làm với tinh thần tích cực hơn. Thế nhưng trong thực tế các đợt thi đua, các cấp Công đoàn phát động chung chung là quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà không đặt ra chỉ tiêu phấn đấu, một công việc nào cụ thể, hoặc đưa ra chỉ tiêu phấn đấu không ngoài nhiệm vụ thuộc chức trách của cán bộ công chức buộc phải làm. Do đó rất khó cho việc xét thành tích cuối đợt thi đua.
Khái niệm về sáng kiến chưa được hiểu một cách đầy đủ, chính xác: Theo quy định sáng kiến là một giải pháp kỹ thuật, hoặc giải pháp tổ chức sản xuất mới, có khả năng áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị. Theo quy định thủ trưởng cơ quan căn cứ trình độ và nhiệm vụ phân công của từng người mà xác định giải pháp do người đó nghĩ ra có là sáng kiến hay không? Từ khi Luật Thi đua khen thưởng có hiệu lực đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về lĩnh vực sáng kiến cho phù hợp, trong khi tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở quy định phải có sáng kiến, cho nên việc xem xét ở cơ quan, đơn vị còn lúng túng. Việc vận dụng quy định về sáng kiến chưa linh hoạt, vẫn còn đặt yêu cầu cao về sáng kiến hoặc xem nhẹ yếu tố sáng tạo, chưa phân nhóm đối tượng để đánh giá sáng kiến. Việc đặt ra quy định yêu cầu phải đăng ký sáng kiến từ đầu năm, giữa năm và cuối năm nếu có sáng kiến mà không đăng ký đầu năm thì không được xét là chưa phù hợp vì không phải ai cũng nghĩ ra sáng kiến ngay từ đầu năm được để đăng ký.
Tuy Quyết định số 1476/2009/QĐ-UBND ngày 13/8/2009 ban hành Quy định tạm thời về hoạt động sáng kiến ở tỉnh Phú Yên song cần được triển khai sâu rộng ở cơ sở để hoạt động sáng kiến trong công tác thi đua đi vào nề nếp và phong trào lao động sáng tạo mang lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn.
TRẦN NGỌC ẤN
(Liên đoàn Lao động tỉnh)