Núi Hòn Đen thuộc thôn Tân Bình (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) là nơi giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Trước kia, đây là nơi tập trung của những người đào đãi vàng trái phép, nhưng bây giờ là vùng đất trù phú, nơi định cư của người Dao từ các tỉnh phía Bắc.
Bà con người Dao đang chuẩn bị trang phục đón tết - Ảnh: Đ.DỰ
Đất đai trù phú, sự chịu thương, chịu khó của bà con người Dao cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư các công trình như điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, nước sạch… mà diện mạo thôn Tân Bình đã thay đổi sâu sắc. Đến nay, thôn Tân Bình đã có nhà văn hóa cộng đồng, có phân trường tiểu học kiên cố, 100% hộ dân sử dụng điện thắp sáng; đường giao thông được láng nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và vận chuyển nông sản. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, đón những cái tết ấm no và bình yên trên vùng đất mới.
Hộ ông Bàn Lê Minh là một trong sáu hộ dân đầu tiên đến vùng đất Tân Bình để khai hoang vào 1992. Ông Minh kể: “Ngày ấy ở đây hoang sơ lắm, chỉ có đồi núi, chưa có điện, đường gì cả. Chúng tôi bắt đầu lập nghiệp, khai hoang đất sản xuất. Mấy năm nay, được Nhà nước đưa điện vào và xây dựng đường giao thông, nay đời sống ở đây khá giả lắm. Nhà nào cũng có của ăn, của để. Lúa làm ăn không hết. Cao su thu hoạch bán được cả trăm triệu. Đó là chưa kể đến thu hoạch sắn, cà phê”.
Thôn Tân Bình, xã Ea Ly có 79 hộ dân, với 350 khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm gần 50% dân số, còn lại là người Kinh, Tày và Nùng. 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, có phương tiện đi lại bằng xe máy, có tivi phục vụ nghe nhìn… Điều này, càng làm người dân, nhất là đồng bào dân tộc Dao có cơ hội đón chào năm mới Nhâm Thìn thêm phấn khởi. Theo tục lệ, vào ngày Tết, gia đình người Dao tổ chức những mâm cỗ để dâng lên tổ tiên, ông bà và báo cáo với tổ tiên những thành quả đã làm được trong năm qua. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy, tụ họp cùng nhau, chia sẻ những thành quả đạt được và rút ra những bài học cho năm mới. Tết, người Dao thường làm bánh dày để dâng lên tổ tiên. Ông Bàn Lê Minh nói: “Tết là chúng tôi làm bánh dày. Vì bánh dày tròn, thể hiện hết một năm tròn để cúng lên các cụ đã sinh ra ông cha mình”.
Cũng như những phụ nữ dân tộc khác, phụ nữ Dao tự may cho mình những bộ quần, áo đẹp theo phong tục của mình để mặc đi chơi Tết. Theo họ, như vậy mới giữ được bản sắc dân tộc mình, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu. Chị Bàn Thị Lợi, thôn Tân Bình, xã Ea Ly chia sẻ: “Tết, chúng tôi ai cũng may đồ dân tộc Dao để mặc đi chơi Tết, đón xuân mới, vui lắm. Dù xa quê, nhưng chúng tôi vẫn đón Tết theo phong tục của mình”. Còn Bàn Văn Thiện, thanh niên người Dao vào vùng đất Tân Bình lập nghiệp được hơn 10 năm thổ lộ: “Ở vùng đất mới làm ăn dễ hơn ở quê. Cuộc sống của mình bây giờ khá giả hơn nhiều”.
Các thế hệ người Dao trẻ tuổi ở vùng đất Tân Bình đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng ở vùng đất Ea Ly. Những người đi trước hy vọng thế hệ trẻ sẽ làm ăn phát đạt và giàu có hơn nữa bằng sức khỏe và tri thức của mình. Ông Bàn Lê Minh nói: “Tôi mong thế hệ trẻ sau này sẽ làm ăn giàu có và khá giả hơn chúng tôi. Trên một hecta đất, họ có thể trồng nhiều loại cây và cho thu nhập cao từ diện tích đất ấy”.
Những nỗ lực cố gắng của người Dao luôn được các cấp chính quyền ở địa phương ghi nhận và biểu dương. Người Dao luôn đón Tết cổ truyền dân tộc trong không khí vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Ông Lê Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly nhận xét: “Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tại thôn Tân Bình phát triển, an ninh chính trị được giữ vững. Bà con ở đây luôn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
ĐẶNG DỰ