Với nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ Việt Nam trong một thời gian dài, hiện nay người dân đã tăng nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại.
Nhà thuốc là một trong những kênh tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai hiệu quả - Ảnh: T.DIỆU
Tháng 6/2011, Bộ Y tế đã đưa ra quy định về tiếp thị xã hội (TTXH) PTTT trong chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, nhằm từng bước mở rộng TTXHPTTT trong khu vực Nhà nước và tư nhân khi các tổ chức hỗ trợ quốc tế cắt giảm tối đa trợ cấp phục vụ cho sự phát triển chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam.
Thuật ngữ TTXH vẫn là một khái niệm trừu tượng đối với nhiều người. Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Có khái niệm cho rằng TTXH dùng để mô tả một nhóm các can thiệp được kết hợp sử dụng các kỹ thuật tiếp thị để thúc đẩy một hành vi nhằm cải thiện sức khỏe hoặc lợi ích của đối tượng hoặc toàn xã hội. Nhưng cũng có thể hiểu nôm na TTXHPTTT là một hình thức bán PTTT với giá rẻ để nhằm khuyến khích các nhóm đối tượng mục tiêu tập thói quen mua các sản phẩm CSSKSS/KHHGĐ”.
Ngành DS-KHHGĐ Việt Nam hiện đã có nhiều sản phẩm được phân phối qua kênh TTXH thành công, phần lớn là các loại bao cao su nhãn hiệu OK, TRUST, Super TRUST, Yes, Hello và viên uống tránh thai nhãn hiệu Choice, Newchoice… Mặc dù đã làm quen với các sản phẩm TTXH, nhưng phần lớn người dân hiện nay vẫn sử dụng PTTT miễn phí. Theo tài liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ thì năm 2010, thị phần kênh cung cấp miễn phí các PTTT chiếm tới 54% trong khi kênh TTXH chiếm tỉ lệ 40% và thị trường tự do chỉ có 6%. Điều đó cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa kênh miễn phí và thị trường tự do. Chính vì vậy, kênh phân phối trung gian TTXHPTTT là một biện pháp hợp lý nhất giúp cho người dân quen dần với việc mua các PTTT.
Tỉnh Phú Yên không ngoại lệ, trong khi chỉ một bộ phận đối tượng nam giới sử dụng bao cao su thông qua kênh TTXH, còn phần lớn vẫn giữ thói quen sử dụng miễn phí PTTT. Theo ông Vũ Ngọc Dững, hiện nay các PTTT chỉ được cung cấp miễn phí cho những gia đình thuộc diện chính sách và khó khăn, những đối tượng còn lại sẽ thông qua các hình thức TTXH để họ tập quen dần với việc mua PTTT. “Tháng 3/2012, chúng tôi sẽ bắt đầu tập trung thực hiện tiếp thị sản phẩm viên uống tránh thai khẩn cấp nhãn hiệu MIFEVIHA. Viên uống tránh thai MIFEVIHA được đóng gói trong một hộp nhỏ với giá bán 4.000 đồng/hộp/viên. Các sản phẩm TTXH đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho phép và Nhà nước trợ giá trên 50% nên vừa đạt chất lượng vừa có giá thành thấp. Ngoài ra, các sản phẩm như thuốc tiêm, thuốc cấy… cũng sẽ tiếp thị thí nghiệm” ông Dững cho biết thêm.
Hiện nay, một bộ phận người dân Phú Yên đã có ý thức mua các PTTT hiện đại. Nhưng yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các sản phẩm TTXH không những đạt chất lượng mà còn đa dạng về mẫu mã, thể loại để chương trình TTXHPTTT được dễ dàng tiếp cận với người dân. Vì một nền dân số phát triển bền vững, TTXHPTTT đã trở thành một kênh quan trọng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và chăm sóc SKSS của mỗi người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đang thực hiện kế hoạch tập huấn TTXHPTTT cho Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, nhân viên y tế thôn bản, các nhà thuốc… để đa dạng hóa các kênh tiếp thị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân dễ dàng tiếp cận với PTTT, nhằm phục vụ tốt nhất chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ.
DIỆU ANH