Thứ Tư, 27/11/2024 11:51 SA
Sinh con trai, con gái:
Chuyện từ cuộc sống...
Thứ Sáu, 14/10/2011 14:00 CH

Nhiều người ngoài mặt nói con trai hay con gái, con nào chẳng là con, nhưng trong lòng lại không nghĩ vậy. Nên vẫn còn đó những nỗi đau và không ít sinh linh bị hủy hoại khi chưa kịp thành người... Điều này dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề đang làm đau đầu các nhà chức trách.

 

tu-anh111014.jpg

Con gái thành đạt là niềm vui lớn đối với gia đình. Trong ảnh: Tú Anh bên mẹ trong ngày tốt nghiệp đại học - Ảnh: C.T.V

Có gia đình sinh toàn con gái vẫn rất giỏi giang, ngoan ngoãn, thành đạt. Trong khi đó, gia đình có bốn đến năm con trai mà không phụng dưỡng cha mẹ được chu đáo, thậm chí làm đau lòng tổ tiên.

 

MỘT BỀ LÀ GÁI

 

Chiều 12/10, tiễn con gái vào TP Hồ Chí Minh để thi cao học, ông Nguyễn Văn Quát (phường 2, TP Tuy Hòa) có cảm giác rất đặc biệt. Và mỗi lần thấy con có bước tiến trên con đường học, ông Quát vô cùng phấn khởi. Con gái lớn Nguyễn Thị Thu Trang thì vậy, còn con gái nhỏ Nguyễn Thị Thu Phương đang là học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

 

Nói về chuyện sinh con một bề, ông Quát kể: “Trước khi sinh đứa thứ hai, vợ chồng tôi đều biết giới tính nhờ siêu âm. Lúc nghe tin là con gái, tôi hơi buồn… nhưng suy nghĩ đó liền bị gạt sang một bên”.

 

Thấy hai con ngày càng lém lĩnh, thông minh, vợ chồng ông Quát coi đó là niềm động viên. Ông Quát thương các con nhiều, kể cả việc ông dành “quyền” được đưa con đi đến bác sĩ khi chúng bị bệnh. Hai con gái nhà ông ngoài học lực xuất sắc, còn có năng khiếu hát hay, múa đẹp. Khi các con về nhà khoe có giải thưởng này, giải thưởng nọ, vợ chồng ông Quát tỏ ra phấn khởi. Em Nguyễn Thị Thu Trang, bộc bạch: “Bố mẹ thương tụi em lắm, nhưng chiều đúng việc. Vì gia đình không có con trai, nên em luôn cố gắng làm cha mẹ vui lòng bằng sự nỗ lực của mình trong học tập cũng như trong cuộc sống”.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hương, ông Hoàng Minh Đức (phường 8, TP Tuy Hòa) được nhiều người biết đến vì thành tích học tập của hai con gái. Trên bức tường của ngôi nhà nhỏ treo những tấm giấy khen của Hoàng Thị Tú Anh và Hoàng Anh Tú. Tú Anh đạt giải khuyến khích môn ngữ Văn toàn quốc; tốt nghiệp loại giỏi ngành ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh… Bà Hương cho biết: “Tú Anh vừa nhận nhiệm sở dạy ở một trường THPT tại tỉnh Bình Dương. Cháu rất thích học tiếp cao học, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho con”.

 

Bà Hương sinh con gái đầu ở TP Vinh (Nghệ An). Khi vô Phú Yên lập nghiệp, 6 năm sau bà có thai đứa tiếp theo. Vì chồng là con đầu, bà Hương muốn mình sinh được đứa con trai để nối dõi tông đường. Cả hai vợ chồng áp dụng các phương pháp mà nhiều người cho là sẽ có được con trai. Khi đi siêu âm, bác sĩ hỏi bà là con đầu lòng là trai hay gái. Bà Hương bảo đã có con trai, bác sĩ liền chúc mừng vì lần này là con gái. Nghe câu chúc mừng như sét đánh ngang tai, bà Hương ứa nước mắt. Những tưởng chồng cũng như mình, nhưng khi đó ông Đức đã không cư xử như vậy mà khuyên nhủ: “Anh không buồn thì thôi chứ sao em lại buồn. Phải cố gắng để thai được khỏe nghen em”.

 

Hoàng Thị Tú Anh, bộc bạch: “Gia đình em rất yêu thương, hòa thuận. Mẹ nói, nhờ có con gái mà phụ được việc cơm, nước cho gia đình. Mỗi khi tụi em nhận giải thưởng, bố mẹ vui lắm, liền đi khoe với bạn bè, hàng xóm. Thấy các cháu gái hiền ngoan, học giỏi, ông nội rất thương, nên chẳng khi nào em nghe ông nhắc đến từ cháu đích tôn…”.

 

Thường khi vợ mang thai, các ông chồng hay ngồi đàm tiếu trong bàn tiệc: Tôi được “ngồi chiếu trên”, còn ông sẽ là “ông ngoại muôn năm”, rồi người này được 10 điểm, người kia năm điểm hoặc người nọ điểm không. Song, khoảng 10 năm sau, điều mà họ quan tâm lại khác trước: con gái tớ vừa đoạt giải A, giải B…

 

LO ÂU VÌ QUÝ TỬ

 

Nhu cầu có con trai được lý giải trong văn hóa nho giáo từ xưa là để nối dõi tông đường. Con trai mang tên dòng họ, có trách nhiệm kế thừa và xây đắp truyền thống và danh dự của gia đình. Con trai sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên. Không có con trai được xem như là một điều bất kính với tổ tiên. Con trai là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là các vùng nông thôn. Con trai kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già…

 

Chị L.T.L (phường 8, TP Tuy Hòa) cũng vốn có suy nghĩ như trên nên quyết sinh cho được quý tử. Đứa thứ ba vẫn gái, chị lại cố sinh đứa thứ tư khi tuổi đã 45. Lần này vợ chồng chị ăn mừng khi kết quả siêu âm cho biết là bé trai. Song họ đâu biết rằng, có lẽ vì tuổi tác hay sức khỏe của chị L. không còn phù hợp, nên đứa bé được cho là “quý tử” kia khi chào đời bị thiểu năng tuần hoàn não, ngây ngây ngơ ngơ và không nói được. Khó khổ quá, nên mỗi khi có ai nhắc đến chuyện sinh đẻ, chị L. chảy nước mắt: “Biết trước như thế này thì tôi không cố…”

 

Không ít người muốn con trai thì có con trai, nhưng việc nuôi dạy con của họ không mấy thuận lợi. Lắm lúc họ không còn thiết sống vì những chuyện con họ gây ra. Có lần tại chợ Tuy Hòa, tôi nghe lời tâm sự của một bà mẹ: “Tui có hai thằng mà đứa nào cũng đi tù. Thân già này lại phải vất vả buôn bán để có tiền đi thăm con… Mà đâu phải một lần, thằng lớn đã vào tù đến ba lần, thằng em đang học hành yên ổn cũng bắt chước anh đi trộm cướp lấy tiền chơi game…!”

 

Chỉ riêng báo chí tại địa phương đã liên tục đăng tin những tay trộm cắp liên tỉnh, đánh người, giết người, cướp giật, tai nạn chết

 

 do uống rượu bia khi lái xe… cũng chỉ toàn là con trai. Những người đọc tin thường chỉ trích, lên án những kẻ bất nhân gây hậu quả và xót thương, chia sẻ với nạn nhân, người bị hại. Song, mấy ai nghĩ rằng sau mỗi vụ việc gây ra, kẻ phạm pháp phải vào tù thì chính phía gia đình người phạm pháp cũng đau lòng không kém.

 

Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, người từng ngồi ghế hội thẩm nhân dân, từng đi thăm trẻ em Phú Yên phạm pháp cải tạo tại TP Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến những câu chuyện buồn do trẻ trai vị thành niên, thanh niên gây ra. Trước tòa, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra rất hối hận khi quá nuông chiều hoặc xao nhãng, không quan tâm đến quý tử của mình, để dẫn đến những hậu quả khó lường. Thiết nghĩ, con nào cũng là con, cái chính là cha mẹ sinh con và nuôi dạy chu đáo để được nhận sự đền đáp hiếu nghĩa về sau”.

 

***

 

Hiện tượng ưa chuộng con trai kết hợp với áp lực quy mô gia đình nhỏ, cùng với việc sử dụng siêu âm, chẩn đoán giới tính thai trước sinh và việc phá thai gái là các yếu tố chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Phú Yên đang ở mức cao, bình quân 113 bé trai/100 bé gái mới sinh.

 

Việc “xuất khẩu” cô dâu Việt gần đây đến một số quốc gia châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ, mà nguyên nhân của nó là do tăng tỉ số giới tính nam khi sinh ở các quốc gia này trong những thập kỷ trước. Vấn đề đáng lo ngại là đằng sau các cuộc hôn nhân xuất ngoại là nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo hành trong gia đình và xâm hại tình dục...

 

HÀ LONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek