Thứ Năm, 03/10/2024 22:32 CH
Bắt ốc mưu sinh
Thứ Sáu, 14/10/2011 18:00 CH

Hằng năm, khi mùa gặt lúa vừa xong cũng là lúc người dân lại đổ xô ra đồng để bắt ốc. Bà Nguyễn Thị Tám, ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) nói: “Đi ruộng nào cũng có người mò cua, bắt ốc cả”.

 

bat-oc-111014.jpg

Ông Huỳnh Lam (TP Tuy Hòa) bắt ốc trên cánh đồng Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa). - Ảnh: K.CHI

LẶN LỘI TRÊN ĐỒNG

 

Theo chân và chứng kiến công việc mưu sinh của những người mò cua, bắt ốc trên các cánh đồng sau mùa gặt, chúng tôi thấy họ thật vất vả khi phải lội nước nhiều tiếng đồng hồ. Ông Huỳnh Lam, ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) ngày ngày cuốc bộ đến tận những cánh đồng ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) để bắt ốc. Một buổi sáng, lặn lội trong ruộng đầy nước, ông Lam mò tìm từng con ốc nhỏ. Tranh thủ lúc ông lên bờ nghỉ ngơi, tôi lân la trò chuyện. Ông mang đôi dép đã mòn, hai ống quần buộc chặt để lội dưới nước cho dễ dàng. Ông nói: “Tui năm nay đã 80 tuổi, làm bạn với con ốc, con cua cũng được hơn 10 năm rồi. Nhà còn hai vợ chồng già, ruộng vườn không có nên chúng tôi chỉ nuôi vài con vịt đẻ. Tranh thủ mùa này ruộng gặt xong, tôi ra đây bắt ốc, con nhỏ thì cho vịt ăn, còn lại thì bán để kiếm thêm mỗi ngày vài ngàn đồng, mua chút rau, chút mắm”.

 

 Sau những ngày mưa, những cánh đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) lênh láng nước. Ở đó, nhiều người đang mò mẫm để kiếm từng con ốc. Bà Nguyễn Thị Tám, ở Hòa Quang Bắc, lặn lội đến cánh đồng Hòa An để làm việc này. Bà Tám cho biết, trời vừa sáng, bà đã chuẩn bị đồ nghề cho một buổi mưu sinh với các thứ: áo mưa, giỏ, bao đựng cua, ốc, đồ ăn, nước uống... Miệt mài bắt ốc cả ngày đến chiều bà đem bán với giá 2.000 đồng/kg. Có ngày “trúng”, bà bắt được 30kg, kiếm được 60.000 đồng, có tiền để đắp đổi qua ngày. Phía ruộng bên, một đám trẻ cũng xách cái thùng to đi bắt ốc. Thành - một em trong nhóm, cho biết: “Bọn em học buổi chiều, tranh thủ buổi sáng bắt ốc để có tiền mua dụng cụ học tập”.

 

HIỂM NGUY RÌNH RẬP

 

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc nên cua, ốc cũng cạn dần do không kịp sinh sôi. Mặt khác, khi số lượng cua, ốc nhiều, họ thường bị người mua ép giá nên thu nhập cũng giảm. Chị Trần Thị Sắc, ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) nói: “Ở quê khi đồng áng xong, mọi người rảnh rỗi, không có việc làm đành đi bắt ốc, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Nếu có chút vốn liếng thì làm việc khác chắc thu nhập sẽ khá hơn”. Chị Sắc tính làm thêm một mùa này nữa kiếm ít vốn ra chợ bán buôn chứ không theo công việc khổ nhọc này. Ngoài ra, điều mà họ sợ nhất vẫn là gặp tai nạn trong khi dò dẫm dưới ruộng. Bà Tám kể: “Hôm trước người đi mò ốc trên đồng Hòa An vô tình dẫm phải mảnh vỏ chai, máu chảy lênh láng, nhưng lại không đi bác sĩ để được điều trị. Vài ngày sau, không thấy người đó đi bắt ốc lại, hỏi thăm mới biết chị ta bị nhiễm trùng, phải ở nhà”. Rồi có ngày trời nắng quá, nhiều người bắt ốc cứ mãi mê nhìn xuống ruộng tìm ốc, cua, bị say nắng, té xuống nước luôn. May mà trên mỗi ruộng có nhiều người cùng đi bắt ốc giúp đỡ… Mò cua, bắt ốc với họ cũng vì nỗi lo cơm áo gạo tiền. “Làm việc này, chúng tôi mong đừng có giẫm phải mẻ chai, đinh gỉ hay những vật nhọn, vì lấy đâu ra nhiều tiền mà lo thuốc men”, chị Sắc nói.

 

Những người mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc vẫn cặm cụi. Trong cái nắng hiếm hoi của những ngày mùa mưa gió, tôi thấy trong đôi mắt họ vẫn ánh lên niềm hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek