Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân đã trở thành vấn đề quan trọng trong đề án Nâng cao chất lượng giống nòi tỉnh Phú Yên. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn thạc sĩ Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Phú Yên về vấn đề này.
Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Phú Yên tổ chức tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ thanh niên - Ảnh: T.THẢO
* Bà có thể cho biết vì sao tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là một trong năm nội dung lớn của đề án Nâng cao chất lượng giống nòi tỉnh Phú Yên?
- 5 nội dung của đề án gồm: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số của đồng bào dân tộc ít người; tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân có thể hiểu nôm na là những người trong độ tuổi sinh sản từ 15-49 sẽ được nắm rõ tình trạng sức khỏe sinh sản của mình trước hôn nhân.
Gần 30% dân số của tỉnh đang trong độ tuổi sinh sản cần thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe để chủ động trong các mối quan hệ, kết hôn và sinh đẻ. Trước đây, chúng ta chỉ theo đuổi về quy mô dân số mà mục tiêu chính là làm sao cho mỗi nhà chỉ có 1-2 con. Nhưng nay mục tiêu này đã đạt được thì chúng ta lại vướng phải vấn đề trẻ em dị tật và thiểu năng, một vấn đề lớn của chất lượng dân số.
* Theo bà, những lợi ích của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là gì?
- Việc được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ là một bước sàng lọc tốt cho chất lượng dân số nói chung. Các bệnh về gen di truyền, dị tật bẩm sinh, HIV/AIDS… được phát hiện sớm. Việc được tư vấn các vấn đề về giới tính, về tình dục và cách thức để phòng tránh thai… giúp các em chủ động hơn trong các mối quan hệ, tránh những hệ lụy xấu về sau như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai bừa bãi…
* Những khó khăn nào trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân?
- Đây là một vấn đề lớn. Phú Yên chưa có một trung tâm tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nào mà chỉ có các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng mới có dịch vụ này. Mặt khác, để kiểm tra sức khỏe một cách toàn diện, chi phí cho các dịch vụ phải hơn 1 triệu đồng, đây là một số tiền không nhỏ đối với người dân ở vùng nông thôn. Tâm lý e ngại, họ không dám đến kiểm tra cũng là một nguyên nhân. Họ chỉ tới bệnh viện khi nào cảm thấy cơ thể mình không được bình thường. Nhiều học sinh trong các trường học ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Tôi không mấy bất ngờ với câu hỏi của các em nữ như: “Em nắm tay anh ấy thì có mang thai không?”, “Quan hệ một lần thì có mang thai được không?”. Chứng tỏ các em có nhiều thắc mắc về giới tính và sức khỏe sinh sản nhưng không biết hỏi ai.
* Để thực hiện nội dung này thì Chi cục DS-KHHGĐ phải làm gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền?
- Chúng tôi xây dựng những chương trình kịch tương tác tới tất cả các xã trong tỉnh. Mỗi xã sẽ có một CLB mà ban chủ nhiệm gồm có 2 đối tượng. Học sinh, đoàn viên, thanh niên diễn những kịch bản nói về thông tin có ích cho chính họ. Cha mẹ và nhà trường đưa ra những vấn đề về tâm lý giới tính và cách họ giải quyết phù hợp cho các em. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng website diễn đàn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên để thông tin và giải đáp các vấn đề trên; đồng thời tiếp tục thực hiện hình thức truyền thông thay đổi hành vi bằng cách đưa các chuyên gia tư vấn về cơ sở, trường học để có buổi nói chuyện và tư vấn, cung cấp thông tin về sức khỏe tiền hôn nhân.
* Xin cảm ơn bà!
TUYẾT DIỆU (thực hiện)