Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên (25/8/1965 - 25/8/2011), Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên đã tổ chức buổi gặp mặt đầy cảm động giữa các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã từng tham gia trong lực lượng An ninh vũ trang (nay là BĐBP).
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng An ninh tuần tra bảo vệ địa bàn. - Ảnh: P.OANH
KIÊN CƯỜNG TRONG LỬA ĐẠN
Thực hiện Chỉ thị 15 của Trung ương Cục miền Nam, ngày 25/8/1965, tại vùng 1 xã An Lĩnh (huyện Tuy An), Tỉnh ủy Phú Yên đã có quyết định thành lập Đại đội An ninh vũ trang (ANVT) Phú Yên. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân vũ trang Phú Yên và ngày nay là BĐBP Phú Yên.
46 năm trôi qua, những chiến sĩ của buổi đầu thành lập lực lượng, nay đã đi qua tuổi bảy mươi. Gánh nặng tuổi tác cùng những di chứng do bom đạn chiến tranh khiến cho sức lực của những người cựu binh suy giảm đi nhiều. Thế nhưng những địa danh Suối Cối, Thồ Lồ, Phú Mỡ; Hòn Giang, Hòn Lúp; những mốc thời gian gắn với những trận đánh sinh tử, hình ảnh về những người đồng đội đã ngã xuống… vẫn mãi in dấu trong ký ức những chiến sĩ của Đại đội ANVT ngày ấy. Ông Nguyễn Ngọc Châu, nguyên đại đội trưởng đầu tiên của Đại đội ANVT Phú Yên nhớ lại: “Ngày ấy, đại đội đóng quân ở trong núi sâu. Một lần, do bắt được sóng điện đài, địch phát hiện được chỗ ở của ta, chúng đưa quân đến bao vây suốt 2 tháng trời. Anh em đói quá phải chờ đến xẩm tối, đợi bọn biệt kích rút ra, mới mò ra bìa rừng chặt củ hũ cây đát để cầm hơi, ăn như thế suốt hai tháng. Để đưa cơ quan đầu não thoát ra khỏi vòng vây của địch, lực lượng của ta chia làm 3 cánh quân, một tổ chặn địch ở mặt trước, còn lại hai tổ bung ra, đánh địch, kéo chúng về hai hướng khác. Tuy nhiên địch đã phát hiện được hướng của ta nên bỏ bom. Anh em trong tổ ai cũng bị bom ép, cả tai, mắt, mũi, họng chỗ nào cũng bị ra máu”.
Trong lửa đạn chiến tranh, nhiệm vụ của những chiến sĩ Đại đội ANVT Phú Yên lúc bấy giờ là bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, bảo vệ các mục tiêu chính trị, cơ động diệt ác, phá kiềm, đánh địch ở vùng tranh chấp; vừa làm công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng, huấn luyện chiến đấu, vừa tổ chức thu nhặt chiến lợi phẩm, súng đạn, mìn của địch sau mỗi trận chiến để chế tạo lại vũ khí đánh địch; tổ chức tăng gia sản xuất để tự đảm bảo hậu cần… 10 năm kể từ khi thành lập đến ngày đất nước thống nhất, thành quả đáng tự hào của Đại đội ANVT Phú Yên là đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não của tỉnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của quân dân Phú Yên.
GIỮ VỮNG PHẨM GIÁ
Đất nước thống nhất, cuối tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã có quyết định thành lập Ban Chỉ huy ANVT Phú Yên. Đồng chí Lê Đức Tân được giao giữ chức Chỉ huy trưởng. 195 chiến sĩ Công an vũ trang đã được Bộ Tư lệnh điều động tăng cường từ Vĩnh Linh vào Phú Yên để hỗ trợ cho lực lượng ANVT Phú Yên.
Ở giai đoạn này, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, đấu tranh chống biệt kích, phản động, chống xâm nhập, giữ ổn định chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ nền hòa bình vừa mới giành được, lực lượng còn tăng cường công tác đấu tranh với các tổ chức phản động, bọn tội phạm đã kích động nhân dân, tổ chức đưa người vượt biển. Mục tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và giữ vững an ninh chính trị trên tuyến biên phòng tỉnh ở giai đoạn này càng hết sức cam go. Lợi dụng sự nhẹ dạ, lơi lỏng trong công tác quản lý cán bộ, bọn phản động bỏ tiền, vàng ra mua chuộc, dụ dỗ cán bộ chiến sĩ. Do vậy, cùng với việc tăng cường chỉ đạo thực hiện “Bốn biện pháp nghiệp vụ”, chỉ đạo các lực lượng trinh sát, vận động quần chúng tích cực bám nắm tình hình, bám nắm địa bàn, Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chú trọng công tác quản lý giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng trong lực lượng. Nhớ về thời kỳ này, ông Lê Đức Tân chia sẻ: Điều quan trọng nhất là làm sao để cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ mỗi việc làm, từng hành động, biết đấu tranh với bản thân, vượt qua những tác động nhất thời của hoàn cảnh để giữ gìn phẩm giá của người chiến sĩ cách mạng, xứng đáng với niềm tin yêu mà nhân dân đã gửi gắm.
XÂY DỰNG THẾ TRẬN LÒNG DÂN
Đại tá Võ Xuân Sự, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết: “Năm 1990, khi vừa mới tách ra từ BĐBP Phú Khánh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của BĐBP Phú Yên hoàn toàn thiếu thốn. Có 4 trên 8 đơn vị phải ở nhờ nhà dân hoặc ở tạm nhà kho của hợp tác xã. Sở chỉ huy đóng tại vị trí của Đại đội Huấn luyện - Cơ động hiện nay. Biên chế tổ chức chưa đầy đủ, chất lượng của đội ngũ cán bộ sĩ quan chưa hoàn chỉnh. Song, được sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Tư lệnh, sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là tình cảm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trên địa bàn, cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị đã đoàn kết trên dưới một lòng và nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Một phương châm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự thắng lợi của công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của lực lượng Biên phòng đó là “dựa vào dân”. Với những trải nghiệm sâu sắc về điều này, ông Nguyễn Đồng Thanh nguyên đồn trưởng Đồn Biên phòng 656, đóng quân tại phường 6 TP Tuy Hòa vào những năm 1988, nói: Ngày đó, khi bộ đội xuống công tác ở địa bàn, ban chỉ huy đơn vị luôn dặn dò anh em phải biết gắn chặt tình thương với dân, ở sao cho phải đạo, nói sao cho đúng, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ dân. Có những việc hết sức nhẹ nhàng, thường tình: như tắm rửa, cắt tóc cho con trẻ, dọn dẹp nhà cửa, ở trong nhà dân phải coi mình như người con, cũng phải biết quét dọn, nấu ăn. Dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng mỗi lần tôi và anh em trong đơn vị hồi ấy về thăm lại địa bàn, thăm bà con, mọi người mừng lắm”.
PHƯƠNG OANH