Sông Hinh là huyện miền núi có số lượng xã nghèo chiếm tỉ lệ cao trong toàn tỉnh. Chính vì thế, việc phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Sông Hinh được tỉnh Phú Yên quan tâm; Huyện ủy, UBND huyện quyết tâm tìm ra giải pháp đưa nền kinh tế huyện nhà đi lên, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ.
Trí thức trẻ xã Ea Trol tiếp công dân. - Ảnh: Đ.DỰ
Trong số các xã khó khăn ở huyện miền núi Sông Hinh, Ea Lâm là xã được xem là khó khăn nhất. Đất đai cằn cỗi, nước sinh hoạt thiếu, lại giáp ranh với Gia Lai nên tình hình an ninh trật tự ở đây cũng có những biến động. Tuy nhiên với những cố gắng của mình, Đảng ủy và chính quyền xã Ea Lâm đã lãnh đạo đưa nền kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục vươn lên. Đóng góp trong thành tích đó, có thể nói đến vai trò của những người làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền - những trí thức trẻ. Ông Kso Y Đen Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nhận xét: “Đội ngũ trí thức trẻ về đã giúp việc cho xã rất nhiều, nhất là việc văn phòng bấy lâu nay tồn đọng nay đã được giải quyết. Trí thức trẻ về xã, họ chịu khó học hỏi các đồng nghiệp, đã góp phần cải cách môi trường làm việc có lề lối”.
Dương Tấn Lãnh là một trong số 18 thanh niên được tuyển dụng từ đề án đưa trí thức trẻ về công tác tại các xã của huyện Sông Hinh. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và những cống hiến sau 2 năm làm việc, Dương Tấn Lãnh đã là Phó bí thư Huyện Đoàn Sông Hinh. Tâm sự về những nỗ lực của mình, Lãnh nói: “Khi học ra trường, tôi rất mong muốn về địa phương công tác. Đề án trí thức trẻ đã giúp tôi thực hiện ước mơ đó. Lúc đầu, tôi được đưa về xã Ea Trol tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch UBND. Sau hai năm, tôi được chuyển về Trung tâm Văn hóa thể thao huyện để cọ sát với môi trường làm việc mới. Đến tháng 9/2010, tôi chính thức được đề cử làm Phó bí thư Huyện Đoàn. Tôi thật sự cảm ơn đề án trí thức trẻ đã giúp cho bản thân và nhiều bạn trẻ khác có cơ hội làm việc”. Lê Mu Y Xóa, cán bộ văn phòng xã Ea Lâm tâm sự: “Sau khi ra trường, tôi có mong muốn được về địa phương công tác để góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào xây dựng quê hương Sông Hinh. Khi biết đến đề án, tôi đã nộp đơn và được tuyển chọn về Ea Lâm công tác. Lúc đầu tôi rất bỡ ngỡ nhưng nhờ sự giúp đỡ của anh, chị trong xã, tôi đã hoàn thành tốt công việc”.
Ngoài Dương Tấn Lãnh, Lê Mu Y Xóa, hai trí thức trẻ khác đang đảm nhận chức vụ phó chủ tịch UBND của xã Ea Bia và Đức Bình Tây cũng đã phát huy được năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Huyện Sông Hinh sớm thực hiện đề án đưa trí thức trẻ về các xã là vì trong quá trình đổi mới, lãnh đạo một số xã đặc biệt khó khăn chưa đảm đương nhiệm vụ. Xác định con người là yếu tố quan trọng tạo bước đột phá, huyện Sông Hinh triển khai đề án trí thức trẻ, tạo điều kiện để con em người địa phương có trình độ đại học, cao đẳng, về tham mưu, giúp việc đảng ủy, UBND xã. Đề án triển khai Các trí thức trẻ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và gần gũi buôn làng. Trong hai mươi trí thức trẻ về địa phương đã có hai giữ chức vụ phó chủ tịch UBND các xã, một giữ chức vụ phó bí thư huyện đoàn và số còn lại làm việc ở các phòng ban trong huyện. Trừ hai trường hợp đã chuyển địa phương sinh sống, số còn lại đều đã được kết nạp Đảng”.
Có thể thấy, ý thức của các trí thức trẻ khi chấp nhận làm việc tại các xã miền núi là nhân tố đầu tiên quyết định đến thành công trong công việc. Tuy nhiên để đi đến thành công đó, phải có sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Để đề án Trí thức trẻ triển khai có hiệu quả cao hơn nữa, đòi hỏi sự đồng tình ủng hộ của địa phương, sự đồng thuận của nhân dân và nhất là sự lãnh đạo của đảng ủy, chính quyền địa phương. “Ban đầu cũng có một số lãnh đạo cấp cơ sở chưa nhận thức đúng đắn về đề án này, nhưng sau đó đã hiểu và thực hiện tốt. Điều đáng nói là nhân dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của huyện trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân”, ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh khẳng định.
ĐẶNG DỰ