Vấn đề phát triển dân số và nâng cao chất lượng dân số là yêu cầu hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo. Những năm gần đây, công tác dân số ở Phú Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng dân số của Phú yên vẫn còn cao hơn so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc phát triển dân số là do nhiều vùng địa phương chưa thực hiện tốt sinh đẻ có kế hoạch.
Khám thai, theo dõi sức khỏe cho phụ nữ xã An Hòa (huyện Tuy An). - Ảnh: V.HOÀNG
Một trong những vùng hiện nay được xem là đẻ nhiều nhất phải kể đến vùng ven biển, đảo. Đến những địa phương này chúng ta dễ dàng nhận thấy không mấy cặp vợ chồng có từ 1-2 con, mà phần lớn là “dăm ba đứa”. Ở đây, họ đẻ nhiều không chỉ để nối dõi tông đường, mà còn vì bát cơm manh áo theo cách nghĩ của người dân biển với đặc thù nghề nghiệp. Người dân biển muốn đẻ nhiều và càng có nhiều con trai càng có thêm lao động đi biển kiếm tiền. Với thực tế sản xuất nghề biển thì lực lượng lao động chủ yếu phải là nam giới mới có thể “trèo sóng, vượt gió” được. Gia đình nào có nhiều người đi biển thì cuộc sống của họ khá giả hẳn lên. Còn ngược lại, nhà nào có ít hoặc không có người đi biển thì cuộc sống gia đình quả thật khó khăn. Như vậy, theo họ việc đẻ nhiều con trai là thực sự cần thiết. Nhưng không phải vì thế mà cứ để cho họ đẻ đến bao nhiêu theo ý muốn. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang ra sức thực hiện chiến lược phát triển dân số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước: Mỗi cặp vợ chồng trong diện tuổi sinh đẻ chỉ đẻ từ 1-2 con.
Để góp phần khắc phục tư tưởng trên của ngư dân, chúng ta cần giải quyết hài hòa vấn đề lao động nghề biển và phát triển dân số. Công tác dân số nên chú trọng việc tuyên truyền phổ biến các kiến thức “sinh con theo ý muốn”. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghề biển ngày một nhiều hơn, nhằm thay thế căn bản sức lao động thủ công để giảm dần lao động bằng sức người. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần phải có sự đầu tư hỗ trợ đẩy mạnh CNH,HĐH nghề biển, đẩy mạnh công tác khuyến ngư tuyên truyền phổ biến áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con ngư dân và các ngành nghề sản xuất ở khu vực biển, đảo. Chính quyền các cấp và ngành liên quan cần đầu tư hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất cho vùng biển, đảo, mở thêm nhiều ngành, nghề mới, thu hút lao động, nhất là đối với lao động nữ ở tại các địa phương vùng biển, đảo, để các gia đình ngư dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, không chỉ trông chờ vào duy nhất một vài nghề truyền thống cố hữu như lâu nay. Mặt khác, cùng với chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vùng biển, đảo, cũng cần có chính sách thu hút, chuyển dịch lao động từ các khu vực khác sang khu vực biển, đảo, tạo cho khu vực này luôn có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo đặc thù nghề nghiệp. Có như vậy mới vừa đảm bảo phát triển dân số vùng biển, đảo hợp lý theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa đảm bảo yêu cầu giải quyết vấn đề lao động vùng biển, đảo. Rất mong các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội cũng như người dân biển quan tâm thực hiện tốt, giải quyết hài hòa vấn đề lao động và phát triển dân số vùng biển, đảo.
NGUYỄN KHẮC TÂN